Cá rô phi là tên thông thường của một nhóm loài cá nước ngọt phổ biến, một số ít sống cả trong môi trường nước lợ hoặc nước mặn. Loài cá này có nhiều ở ao hồ, đầm lầy, ruộng đồng, chùng thường vùi sâu dưới lớp bùn.
Về đặc điểm nhận dạng, cá rô phi có thân hình màu hơi tím, vảy sáng bóng, có 9-12 sọc đậm song song nhau từ lưng xuống bụng. Con cá rô phi có thể dài tới 0,6m và nặng 4 kg, sau 4-5 tháng nuôi có thể đạt trọng lượng 0,4-0,6 kg/con. Giữa con cái và con đực có tốc độ lớn khác nhau. Cá rô phi hầu như sinh sản quanh năm, khoảng cách giữa hai lần đẻ cách nhau 20-30 ngày.
Cá rô phi trước đây được xem là món "nhà nghèo", nó gắn với tuổi thơ của những đứa trẻ ở quê, có mặt trong mâm cơm dân dã có người dân.
|
"Nhắc tới cá rô phi là nhắc tới những kỷ niệm của thời thơ ấu. Hồi ấy, tôi với các bạn trong làng phơi nắng đi bắt cá rô phi, rồi nhóm rơm rạ nướng. Khi cá chín, mùi thơm phức tỏa ra, vừa ăn vừa xuýt xoa vì thịt cá ngon ngọt.
Thực ra, cá rô phi xương cứng, ít thịt nên trước đây không được ưa chuộng. Thế nhưng thịt cá lại trắng và ngọt, vô cùng hấp dẫn", chị Hòa Ánh (ở Nam Định) kể lại.
Theo chị Ánh, bây giờ trên thị trường chỉ có cá nuôi, muốn mua cá rô phi đồng phải về chợ quê, hoặc nhờ bố mẹ ở quê mua rồi gửi lên thành phố. So với cá nuôi, cá rô phi đồng kích thước nhỏ hơn nhưng lại thơm và ngọt thịt hơn so với cá nuôi.
Trên thị trường, cá rô phi được bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg. Trên thế giới cá rô phi được nhiều thị trường ưa chuộng, đặc biệt là thị trường Mỹ, Nhật Bản và gần đây là Anh, Canada.
Việt Nam đang phát triển rộng rãi nghề nuôi cá rô phi đặc biệt là sản xuất tập trung tạo hàng hoá cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Theo tìm hiểu, thịt cá rô phi chưa nhiều dưỡng chất thiết yếu như: protein, axit béo, phốt pho, kali, vitamin B12, vitamin B6,...Những dưỡng chất này đều cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể.
Tác giả: H.A
Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn