Giáo dục

Lo lắng chương trình mới, phụ huynh tìm chỗ cho trẻ học trước lớp 1

Học trước lớp 1 là chuyện không mới, nhưng nay với chương trình giáo dục mới thì phụ huynh lại càng lo lắng tìm lớp cho con.

Muôn kiểu học trước vì “lo cho con”

Đầu tháng 8/2023, chị Nguyễn Thị Thu Ngà, quận Bình Thạnh, Tp.HCM thảo luận với gia đình về việc đưa con mình đi học trước để chuẩn bị vào lớp 1.

“Lúc đầu vợ chồng tôi cũng không có ý định đó nhưng khi xung quanh ai cũng bàn tán về chương trình giáo dục mới nên bắt đầu lo lắng. Thậm chí, họ hàng còn gửi cho chúng tôi về tin tức “hơn 50.000 học sinh chưa hoàn thành lớp 1” phải phụ đạo mùa hè”, chị Ngà nói.

Tương tự, chị Lê Hoài Tâm, ngụ quận 1, Tp.HCM đang lên kế hoạch dành thời gian khoảng 2 tháng để cho con làm quen với chữ viết, với chương trình lớp 1 nhằm tránh cho con bỡ ngỡ khi bước vào lớp 1.

“Gia đình tôi tham khảo rất nhiều chương trình, khóa học trên mạng xã hội và quyết định cho con học khóa “Chuẩn bị vào lớp 1” tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa. Chương trình học gồm 2 môn Toán và Tiếng Việt, được thiết kế thành nhiều chủ đề khác nhau cho mỗi tuần. Ở môn Tiếng Việt, trong 4 tuần đầu tiên, trẻ sẽ được học bảng chữ cái, luyện viết các nét cơ bản.

Sau đó, trong các tuần tiếp theo, trẻ được học ghép vần và luyện viết chữ đẹp. Học phí trọn gói cho khóa học kéo dài 2 tháng là 2,1 triệu đồng/trẻ, với cam kết “trẻ đọc thông, viết thạo” sau khi kết thúc khóa học”, chị Tâm hào hứng.

Các phụ huynh đều không quá kỳ vọng con phải “đọc thông, viết thạo” trước khi vào lớp 1 nhưng “mong muốn con có một môi trường để rèn kỹ năng”.

Trên mạng xã hội, bên cạnh những khóa học trực tiếp còn có nhiều khóa học trực tuyến dạy trẻ “tiền tiểu học” làm quen với chữ viết, con số được quảng cáo rầm rộ.

Hay như dịch vụ gia sư kèm riêng tại nhà cho lớp học “tiền tiểu học” cũng được quảng bá với hình thức một kèm một, gia sư sẽ đến tận nhà để dạy trẻ làm quen, tiếp cận với chương trình lớp 1. Hình thức này được khá nhiều phụ huynh ưa chuộng khi chi phí không quá cao, khoảng 200 ngàn đồng/buổi (học 2 tiếng).

Như chị Nguyễn Hồng Linh, ngụ quận 1 cho con học trước lớp 1 từ tháng 5 vì “con trai chị hiếu động, không tập trung, chị kèm ở nhà không được”. Vì vậy, chị Linh giao cho gia sư để "cô có kỹ năng sư phạm sẽ dạy con đúng cách hơn”.

“Một tuần 5 buổi, mỗi buổi 2 tiếng, sau mỗi buổi, cô giáo giao bài tập về nhà để con viết thêm 1-2 mặt giấy, tập đọc, tập đếm, tập làm Toán. Con chị bây giờ biết cộng trừ trong phạm vi 20, đánh vần được”, chị Linh kể.

Cần sự đồng hành của phụ huynh

Nhìn nhận về vấn đề này, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Tp.HCM cho hay, chương trình giáo dục mầm non hiện hành có quy định hoạt động tổ chức cho trẻ làm quen chữ viết. Hoạt động này không bê nguyên xi chương trình dạy chữ của lớp 1 mà chủ yếu hướng dẫn trẻ tập tô, cách thức nhận diện và phân biệt chữ cái, cung cấp nền tảng kỹ năng và kiến thức trước khi trẻ vào lớp 1.

Do vậy, ngay từ giai đoạn học mầm non, trẻ đã được trang bị các nền tảng để bước vào giai đoạn tiểu học. Nếu phụ huynh cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 sẽ làm mất đi sự háo hức, tò mò của trẻ khi vào lớp vì kiến thức đã biết hết, lâu dần ảnh hưởng khả năng tập trung và niềm yêu thích học tập của trẻ. Thay vào đó, trẻ chỉ cần học cách cầm bút, tư thế ngồi học, cách thức tương tác với giáo viên.

“Trong thời gian nghỉ hè, phụ huynh nên dành nhiều thời gian để cùng chơi, cùng học với con. Theo đó, phụ huynh có thể đọc sách, làm các phép toán đơn giản cùng con, dạy con biết về mặt chữ, con số. Tuy nhiên, khi chuyển cấp từ mầm non lên tiểu học thì điều quan trọng nhất phụ huynh cần lưu ý là trang bị các kỹ năng cho con, chú trọng kỹ năng tự phục vụ, sự tự tin, mạnh dạn… Làm sao tạo cho con cảm giác ham thích bước vào bậc tiểu học”, bà Điệp nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, quận 11, Tp.HCM khẳng định, dù trẻ được học chữ trước hay chưa học chữ trước khi bước vào lớp 1 đều được giáo viên hướng dẫn, dạy dỗ, làm sao tất cả trẻ đều biết được mặt chữ, con số. Hoàn thành lớp 1, trẻ đều có thể đọc thông, viết thạo.

“Hiện nay việc dạy học sinh đang được giáo viên thực hiện theo hình thức cá thể hóa. Tức là dựa vào năng lực, khả năng của học sinh để tiếp cận, giảng dạy. Học sinh đã biết nhiều hơn thì giáo viên sẽ mở rộng thêm sự ham thích, tìm tòi cho các em học; những học sinh chưa biết thì giáo viên sẽ chú trọng để các em làm quen, biết. Nên không có chuyện trẻ không học chữ trước thì không theo kịp được bạn bè khi bước vào lớp 1”, bà Hương cho biết.

Hiệu trưởng này cho biết thêm, trên thực tế nhiều học sinh không học trước chương trình vẫn có kết quả học tập cao, đáp ứng mục tiêu cuối năm lớp 1 là học sinh biết đọc, biết viết. Dựa trên năng lực thực tế của từng học sinh, giáo viên sẽ hỗ trợ, kèm cặp, giúp các em hoàn thành mục tiêu năm học.

“Điều cần thiết nhất trong giai đoạn trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1 đó là cần sự đồng hành, theo sát của phụ huynh. Phụ huynh hãy tạo cho trẻ tâm lý thoải mái, háo hức khi được chuyển sang một bậc học mới chứ không phải là tạo cho trẻ tâm lý lo sợ môi trường mới gặp nhiều khó khăn”, bà Hương chia sẻ.

Tác giả: Nguyễn Thành Nhân

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP