Giáo dục

Điểm chuẩn công lập tăng vọt, phụ huynh như "ngồi trên đống lửa"

Lo lắng, hoang mang, tìm người tư vấn để chọn trường cũng là tình cảnh của nhiều phụ huynh có con thi trượt những ngày qua.

Điểm chuẩn vào 10 năm nay tăng, nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng

Sau khi công bố điểm thi vào lớp 10, điểm chuẩn nhiều trường công lập Hà Nội năm nay tăng mạnh khiến học sinh trượt vì không lường trước được thực tế. Ví dụ, Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) lấy điểm chuẩn cao nhất ở khối không chuyên với 44,5 điểm, tăng 1,25 điểm so với năm ngoái.

Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) lấy 43,25 tăng 2 điểm so với năm 2022, từ hạng 11 năm ngoái lên thứ 7 năm nay.

Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) tăng 1,5 điểm chuẩn, THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) năm nay cũng lấy 43 điểm, tăng 1,25 điểm so với năm ngoái.

Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) lấy 42,75 điểm tăng 0,75 điểm so với năm 2022 hay ở khu vực 7, Trường THPT Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) lấy 40 điểm, cũng tăng 0,5 điểm chuẩn so với năm ngoái.

Một số phụ huynh quan điểm "trường công mới khó chứ trường tư thiếu gì, chịu chi tiền sẽ có vô vàn lựa chọn" nhưng thực tế năm nay, phụ huynh muốn tìm trường tư cho con học cũng không dễ dàng bởi cuộc đua vào lớp 10 ở các trường tư thục cũng khốc liệt không kém.

Trao đổi với Vietnamnet, anh Nguyễn Hoàng Tuấn (quận Đống Đa) cho hay: “Con gái tôi có lực học giỏi nhiều năm liền, thi thử vào lớp 10, lần nào con cũng đạt khoảng 9 điểm/môn. Dẫu biết Trường THPT Kim Liên lấy điểm chuẩn cao (năm 2022 điểm chuẩn của trường là 41.25 điểm) nhưng lực học giỏi cùng với việc thi thử điểm cao nên con tự tin dự thi vào trường này. Cả gia đình cũng dự đoán năm nay, điểm chuẩn nếu tăng cũng chỉ tăng khoảng 0,5-1 điểm”.

Con anh Tuấn trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay đạt 42,75 điểm. Dù điểm cao nhưng nữ sinh này trượt nguyện vọng 1 vào trường THPT Kim Liên (điểm chuẩn 43,25).

“Hai ngày nay, vợ chồng tôi đau đầu tìm trường tư vừa phù hợp tiêu chí của gia đình vừa phải thuận tiện đường đi. Quan trọng hơn, học phí phải “dễ thở” vì vậy đây là một bài Toán quá khó.

Hiện nay, những trường tư có tiếng ở Hà Nội rất kén chọn học sinh, không ít trường lấy điểm chuẩn trên 40, tức là trên 8 điểm/môn học sinh mới có cơ hội vào trường.

Chia sẻ với Tiền Phong, gia đình chị Đỗ Thị Hương, ở quận Ba Đình, ban đầu định hướng cho con học nghề nhưng phút chót đã quyết định rẽ hướng sang ghi danh ở một trường tư thục gần nhà.

“Con thi được 35,75 điểm, trong đó Toán được điểm 8, đáng tiếc Ngữ văn chỉ được 6 nhưng bố mẹ vẫn vui mừng, động viên con. Cuộc đời dài rộng ở phía trước và trượt trường công không phải là điều gì quá ghê gớm. Được gia đình động viên, con cũng vơi bớt nỗi buồn”, chị Hương chia sẻ.

Nhưng không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để học trường ngoài công lập. Các trường tư học phí có thể từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Chưa kể, trong quá trình học, học sinh sẽ phải đóng thêm chi phí quần áo, sách giáo khoa, dã ngoại, học thêm…

“Con thi trượt nguyện vọng 1 là trường THPT Mỹ Đình và mức lương của tôi chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng, không đủ để cho con học trường tư. Từ khi biết điểm, cả gia đình rối ren, không thiết ăn uống, không biết phải tính thế nào cho tương lai của con. Gia đình chưa muốn học nghề vì con còn có khát vọng, ước mơ khác”, anh Nguyễn Ngọc Hùng, quận Nam Từ Liêm, nói.

Trong khi đó, chị Bùi Thanh Loan (Cầu Giấy) là phụ huynh có con trúng tuyển vào lớp 10 công lập ở Hà Nội nhưng cảm thấy thương cho những đứa trẻ “phải gánh trên vai nhiều kỳ vọng” nhưng lại không đạt kết quả như mong muốn.

“Những đứa trẻ ấy quả thực rất tội. Còn phụ huynh ngay sau khi biết điểm chuẩn lại tiếp tục bắt đầu cuộc chiến mới: chạy đôn chạy đáo ở cổng trường tư”.

Trên chặng đường đồng hành cùng con, chị Loan nhận thấy với không ít gia đình, con cái vất vả 4 phần, cha mẹ phải chật vật tới 6 phần để con có một chỗ học.

Khoảng 33.000 học sinh Hà Nội không có cơ hội vào học tại các trường công lập. Nhiều phụ huynh rối bời khi cánh cửa vào trường tư thục cũng không hề rộng mở. Ảnh minh họa.

Với những thí sinh trượt lớp 10 công lập năm nay, điều quan trọng nhất lúc này là ổn định tâm lý cho các em

Theo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, thời điểm này, các con chính là những người buồn nhiều nhất vì vậy, cha mẹ và những người thân nên bình tĩnh và thấu hiểu con mình hơn, thay vì thể hiện cảm xúc tiêu cực trước mặt con.

Việc cha mẹ thể hiện cảm xúc tiêu cực khi kết quả và mọi việc "sự đã rồi" sẽ không giải quyết vấn đề được như mong muốn. Thay vì thế, cha mẹ hãy tìm phương án khác tối ưu hơn. Chẳng hạn, hướng con vào những trường tư phù hợp với mong muốn, điều kiện kinh tế của gia đình hoặc đăng ký vào trường giáo dục thường xuyên cũng là một lựa chọn. "Hiện tại, giáo án ở các trường công, tư đều giống nhau. Mặt khác, ở trường tư các con còn được tham gia nhiều hoạt động thực tế hơn, từ đó giúp các con có nhiều trải nghiệm, kiến thức".

Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa) chia sẻ, những thí sinh trượt nguyện vọng 1 mà đỗ nguyện vọng 2 hoặc 3 thì các em sẽ phải thực hiện đăng ký trúng tuyển theo quy định.

Đối với các thí sinh đỗ nguyện vọng 2 hoặc 3, gia đình có thể phúc khảo bài thi, nhưng không nên bỏ tất cả để trông chờ kết quả này. Nếu chờ kết quả phúc khảo, thí sinh sẽ bỏ lỡ thời điểm xác nhận nhập học. Do đó, phụ huynh cần xác nhận nhập học trước. Nếu kết quả phúc khảo đủ để các em đỗ trường nguyện vọng 1, khi đó gia đình trao đổi với trường đã nhập học để được hướng dẫn bước tiếp theo.

Trường hợp nếu các em không may bị trượt, không đỗ một nguyện vọng nào, theo thầy Nguyễn Cao Cường, cha mẹ học sinh nên tìm hiểu và đăng ký cho con vào trường tư thục phù hợp, hoặc hệ giáo dục thường xuyên hoặc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các trường trung cấp, cao đẳng nghề. "Điều quan trọng nhất lúc này là ổn định tâm lý cho các em.

Bố mẹ, bạn bè và thầy cô giáo cần chia sẻ để học sinh hiểu được, đó chỉ là một kỳ thi bước đầu, cơ hội phía trước vẫn còn nhiều. Do đó, các em cần nhanh chóng ổn định tinh thần, không nên hoang mang, tránh vết thương tâm lý sẽ ảnh hưởng về sau…".

Trong khi đó, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho hay, trước mỗi kỳ thi, học sinh và phụ huynh đều có những kỳ vọng. Đó đều là những kỳ vọng chính đáng, nhưng không phải lúc nào kết quả cũng được như mong đợi.

“Bản thân đứa trẻ khi thi trượt đã rất đau buồn. Lúc này, cha mẹ cần phải “kìm nén” những kỳ vọng để chia sẻ và đồng hành cùng con. Việc chọn một ngôi trường tư phù hợp cũng là bài toán quan trọng nhất lúc này. Phụ huynh cần động viên, tiếp thêm cho con ý chí, nghị lực để bước tiếp và nỗ lực về sau”.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, mọi sự chỉ trích, mắng mỏ trong thời điểm này đều không có tác dụng, thậm chí sẽ khiến đứa trẻ càng thêm tổn thương, phẫn uất, dẫn tới những hành động dại dột.

Ông cũng dẫn lại nhiều trường hợp học sinh có sức học tốt, nhưng không đạt được nguyện vọng vào các trường top đầu. Song, “trong cái rủi lại có cái may”, khi học tại những ngôi trường top dưới, học sinh này nhờ lực học tốt, được thầy cô động viên, em luôn dẫn đầu trong các kỳ thi của trường. Nhờ đó, em đã thuận lợi đỗ vào những trường đại học tốt trong nước.

Ngược lại, có không ít trường hợp học sinh đỗ vào những ngôi trường top đầu, nhưng vì chủ quan mình giỏi, cuối cùng lại không có ý chí phấn đấu và gặp thất bại về sau.

“Cho nên chúng ta không nên ân hận về những điều không làm được. Điều quan trọng, các em cần phải rút kinh nghiệm. Trước thất bại, bạn cần phải vững vàng để tiếp tục vươn lên”.

Điểm chuẩn vào lớp 10 một số trường tư tăng mạnh

Trường Marie Curie Hà Nội vừa thông báo điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. Theo đó, điểm chuẩn đợt 1 cơ sở Mỹ Đình (Q.Nam Từ Liêm) lên tới 41 điểm, cao hơn năm 2022 tới 3 điểm; cơ sở Văn Phú (Q.Hà Đông) là 38 điểm, cao hơn năm trước 2 điểm.

Trường THPT Đào Duy Từ thông báo học sinh đạt từ 36 điểm trở lên; không có học kỳ nào xếp loại học lực trung bình và hạnh kiểm khá trở xuống thì đều được nhận; các học sinh đạt từ 30 điểm đến 35,5 điểm có thể nộp hồ sơ đăng ký trong 3 ngày để xét duyệt.

Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận hồ sơ trong ngày 2/7 với các học sinh đạt từ 35 điểm. Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng nhận hồ sơ của học sinh từ 28 đến 34 điểm; thời gian từ nay cho đến khi đủ chỉ tiêu; những em đạt 34 điểm được nhập học luôn.

Vừa qua, Hội đồng tuyển sinh trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu vừa quyết định mức điểm trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2023 – 2024 là 38,5 điểm - bằng mức điểm tuyển sinh của năm trước. Các học sinh có điểm chuẩn trúng tuyển bằng hoặc từ 38,5 điểm trở lên đến trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu để làm thủ tục nhập học từ sáng 5/7. Trường sẽ dừng tuyển sinh đến khi đủ chỉ tiêu.

Thông tin trên Thanh Niên, trong bảng điểm chuẩn trường THPT công lập mà Sở GD-ĐT Hà Nội công bố, toàn thành phố có 18 trường THPT công lập có điểm chuẩn từ 40 trở lên, gần 100 trường còn lại có điểm chuẩn từ 40 trở xuống.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, toàn thành phố có 129.210 học sinh hoàn thành chương trình cấp THCS. Sau khi các nhà trường tuyên truyền, phân luồng, gần 105.000 học sinh thi vào trường THPT không chuyên. Trong đó, các trường THPT công lập tuyển khoảng 72.000 học sinh, nên có khoảng 33.000 em sẽ phải đăng ký học ở trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, học nghề…

Hà Nội hiện có 117 trường THPT công lập (đáp ứng được khoảng 72.000 học sinh mỗi năm học), 119 trường tư thục và trường công lập tự chủ (đáp ứng được khoảng 30.000 học sinh), 29 trung tâm trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp và các trường nghề đáp ứng được khoảng 30.000 học sinh.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định thành phố Hà Nội có nhiều mô hình trường tạo cơ hội mở, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhiều đối tượng học sinh.

Trao đổi với Tiền phong, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết hiện nay, toàn thành phố Hà Nội đảm bảo được khoảng 60% em vào trường THPT công lập. Thực trạng thiếu trường lớp là vấn đề khó khăn mà ngành và địa phương đang đối mặt.

Thành phố đã chỉ đạo sẽ tìm kiếm nguồn xây dựng thêm trường học để tăng tỉ lệ học sinh vào trường công song song với nâng tỉ lệ trường chuẩn quốc gia và yêu cầu các khu đô thị mới phải xây dựng trường trước khi bán dự án.

Tác giả: Trúc Chi (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP