Theo ông, Chính phủ cần rà soát các công trình hàng ngàn tỉ đồng mà lâu nay dư luận quan tâm, vì "đầu tư không hiệu quả từ tiền người dân đóng thuế là có lỗi với dân, làm suy giảm niềm tin của dân".
ĐB Tô Văn Tám: Đầu tư không hiệu quả từ tiền người dân đóng thuế là có lỗi với dân, làm suy giảm niềm tin của dân
"Mới điểm qua 5 dự án như nhà máy đạm Ninh Bình, nhà máy tơ sợi Đình Vũ, nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy bột giấy Phương Nam, tổng giá trị đầu tư hơn 30 ngàn tỷ, mà không hiệu quả hoặc bỏ hoang không sản xuất, rồi so sánh với hàng triệu người dân đang nhọc nhằn lao động mưu sinh, chỉ cần có thêm vài trăm ngàn đồng một tháng là có cơ hội cải thiện cuộc sống, sẽ thấy lãng phí lớn, khổng lồ thế nào", ông Tô Văn Tám nói.
ĐB Kon Tum phản ánh mong muốn và yêu cầu của cử tri là "lấp các lỗ hổng" trong quá trình đầu tư.
ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) cũng thấy lãng phí đang có chiều hướng gia tăng. Ông chỉ ra 3 lĩnh vực lãng phí mà xã hội bức xúc là đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng đất và nguồn nhân lực.
"Nhiều nghìn tỷ đồng đầu tư hàng năm cho đào tạo lao động, sinh viên nhưng ra trường không tìm được việc làm", ông Hùng nói.
ĐB Trần Xuân Hùng: Ngăn chặn lãng phí ngay từ khi chưa triển khai dự án
"Diện tích đất bình quân đầu người ở VN thấp nhất thế giới nhưng quản lý, sử dụng không hiệu quả. 8 triệu ha đất giao cho các nông, lâm trường quốc doanh, đang bị sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích, nhiều nơi chuyển nhượng bất hợp pháp, để hoang hóa, trong khi người dân thiếu đất canh tác".
ĐB Hà Nam còn nêu các con số: Cơ quan, đơn vị công lập trong cả nước đang quản lý, sử dụng 1,5 tỷ m2 đất, giá trị tương đương 594 ngàn tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu m2 đất, phần lớn là các vị trí "đắc địa" ở các đô thị lớn, khu công nghiệp.
"Theo tính toán của các chuyên gia, nếu tính đúng, thu đủ và có cơ chế buộc sử dụng hiệu qủa, ngân sách nhà nước có thể thu được khoảng 5 tỷ USD mỗi năm, một khoản tiền không nhỏ trong bối cảnh hiện nay để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội", ông Hùng phân tích.
Trong đầu tư xây dựng cơ bản, dù chưa có một tỉ lệ, số liệu chính xác là 10 hay 20 hay 30%, nhưng thất thoát, lãng phí là có thực, xảy ra ở tất cả các khâu, từ chủ trương, chuẩn bị, cấp phát vốn đến nghiệm thu, bàn giao, sử dụng, quyết toán.
ĐB Hà Nam đề nghị phân tích để chỉ ra trách nhiệm trong từng khâu, xử lý triệt để và hiệu quả, nhấn mạnh vào khâu phê duyệt chủ trương để ngăn chặn lãng phí ngay từ khi chưa triển khai dự án.
"Công khai kết quả kiểm toán cũng sẽ góp phần đưa ra ánh sáng sự thất thoát, lãng phí, tạo áp lực và dư luận xã hội đối với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân", ông Trần Xuân Hùng nói.
ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cũng yêu cầu Chính phủ có số liệu đầy đủ hơn về tham nhũng, lãng phí: "Nếu lãng phí là sản phẩm của cơ chế thì Chính phủ cũng nên đánh giá thực chất tình hình, đưa ra QH bàn để tìm hướng đổi mới, khuyến khích báo chí, toàn dân phát hiện và thông tin rộng rãi về những tổ chức, cá nhân không tiết kiệm, lãng phí lớn".
ĐB Phan Văn Tường: 'Thành công là của tôi, thất bại là của chúng ta'
ĐB Thái Nguyên nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu: "Việc phân định thiếu rạch ròi giữa lãnh đạo tập thể và cá nhân chịu trách nhiệm là kẽ hở để tồn tại việc 'thành công là của tôi, thất bại là của chúng ta'. Thực tế, người đứng đầu ở nhiều, cơ quan, đơn vị, địa phương quyền hạn rất lớn, gần như quyết định toàn diện, triệt để mọi việc trong phạm vi đó, nhưng khi có vấn đề, thậm chí rất nghiêm trọng, thì trách nhiệm chưa tương thích với quyền hạn".
Trước các ý kiến trên, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển yêu cầu Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đăng đàn giải trình vào buổi chiều.
Tác giả bài viết: Chung Hoàng