Đẹp

Làm thế nào để triệt lông vĩnh viễn?

Triệt lông vĩnh viễn cần dựa vào các yếu tố cơ địa để tìm ra cách chữa trị hiệu quả. Lông quá nhiều cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc hay bệnh lý nguy hiểm.

Lông và tóc khác nhau ở nhiều góc độ. Nhìn chung, lông trên người chúng ta mọc đầy đủ và dừng lại sau một tháng trong khi tóc vẫn tiếp tục dài ra. Điểm khác biệt là do chu kỳ mọc ở tóc thường là hàng tháng, còn với lông là hàng tuần. Lông ở nam giới thường dày và mọc nhanh hơn nữ.

Tùy vào giới tính, dinh dưỡng, hormone, di truyền mà mỗi người có lông mọc chậm hay nhanh. Lông ở các vùng da khác nhau cũng không giống về màu sắc, mật độ, độ cong và độ dày. Lông ở vùng bẹn hay nách thường dày hơn lông ở ngực, lưng, chân, tay.

Lông phát triển từ các nang lông và chịu sự ảnh hưởng của hormone, nhất là hormone nam. Lông cũng là nơi có nhiều tuyến mồ hôi và tuyến nhờn nên tạo ra mùi khác biệt. Đôi khi, vùng lông nhiễm trùng mạn tính hay có nhiều vi khuẩn yếm khí sẽ dẫn đến mùi khó chịu. Vùng da xung quanh lông cũng là nơi lý tưởng để viêm nhiễm và phát bệnh như mụn hay viêm nang lông. Chữa các bệnh về lông thường bắt đầu bằng việc làm sạch sẽ vùng lông.

Các cách triệt lông vĩnh viễn

Cạo hay nhổ lông chỉ là tạm thời vì chúng sẽ mọc lại theo thời gian. Để triệt lông vĩnh viễn, cách thông thường bác sĩ da liễu sẽ làm tổn thương lâu dài đến nang lông, khiến chúng không thể mọc trở lại. Nhìn chung, các phương pháp triệt lông vĩnh viễn đều có điểm chung là tiêu diệt nang lông. Sợi lông sau khi không còn được cung cấp dinh dưỡng bởi nang lông, sẽ tự rụng, để lộ ra làn da mịn màng. Trong các cách diệt lông vĩnh viễn, cách đốt điện (electrolysis) là phương pháp duy nhất được FDA chấp thuận.

Bạn cần lưu ý đốt lông bằng điện hay laser đều có thể gặp những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, sẹo hay sạm nám do đổi hắc tố da. Vì vậy, bạn cần đến nơi uy tín để làm, tốt nhất là được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Tùy vào giới tính, dinh dưỡng, hormone, di truyền mà mỗi người có lông mọc chậm hay nhanh. Ảnh: Hijabista.

Khi thực hiện đốt chân lông bằng điện (electrolysis), bác sĩ da liễu hay chuyên viên sẽ dùng cây kim nhỏ, có sóng điện (như microwave) truyền nhiệt vào đến nang lông, làm chết nang lông. Sau đó, họ dùng cây nhíp nhỏ nhổ từng sợi lông. Trước khi đốt, chuyên viên sẽ làm sạch vùng da lông cần đốt, có thể xức kem giảm đau để giúp việc triệt và nhổ lông nhẹ nhàng hơn.

Cách này hiệu quả nhưng tốn thời gian có thể gây khó chịu cho bệnh nhân, nhất là khi đốt nhổ lông ở vùng nhạy cảm như nách hay bẹn. Bác sĩ thường làm nhiều lần để từ từ nhổ sạch và giúp cho bệnh nhân thấy thoải mái hơn.

Đốt chân lông bằng laser là kỹ thuật triệt lông tận gốc bằng được ưa chuộng gần đây do dễ thực hiện, ít đau và có kết quả tốt. Máy Laser có bước sóng phù hợp chiếu các tia năng lượng vào melanin ở trong nang lông. Các tia này khi gặp melanin sẽ chuyển thành nhiệt, đốt chết nang lông.

Cách này có thể làm tổn thương nang lông lâu dài và khiến chúng không mọc trở lại trong thời gian từ vài tháng đến vài năm. Lưu ý,bạn có thể phải dùng nhiều buổi laser để có kết quả tốt. Ngoài ra, bạn có thể lặp lại trị liệu thường xuyên vì các nang lông phục hồi sau một thời gian ngưng đốt laser.

Đốt laser không cẩn thận có thể bị bỏng do chỉnh bước sóng không đúng hay quá nhiều năng lượng. Bạn cần đến các trung tâm uy tín có kinh nghiệm trong việc triệt lông bằng laser để có kết quả tốt.

Các cách triệt lông tạm thời

Nhổ lông tận gốc bằng nhíp là cách cơ bản nhiều người hay dùng. Cách này có thể nhổ tận gốc nhưng làm đau hay sưng vùng bị tác động. Ở những vùng da nhạy cảm như nách, nhổ không cẩn thận có thể làm nhiễm trùng hay nám sạm da do viêm. Khi thực hiện, bạn nhớ rửa sạch vùng muốn nhổ, sát trùng nhíp và nhổ lông chậm từ từ để giữ cho da không bị nhăn.

Nhổ lông tận gốc bằng nhíp là cách cơ bản nhiều người hay dùng. Ảnh: Clair.

Gần đây, kem làm rụng lông (depilatory cream) được chuộng vì dễ sử dụng và có kết quả tốt. Kem này thường có thioglycolic acid, kèm theo các chất khác như potassium hay calcium thioglycolates để làm vỡ chất keratin trong lông. Bạn dùng kem này bôi nhẹ lên da, đợi 5-10 phút để chúng thấm vào da. Sau đó, bạn vuốt nhẹ lông sẽ rụng ra ngoài. Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn xem thời gian vuốt lông là bao lâu. Sau khi vuốt lông rụng, bạn nhớ rửa sạch vùng kem đã xức.

Lông cạo rồi mọc lại có dày hơn không?

Câu trả lời là không. Bạn cảm giác thấy sợi lông mọc lại dày hay đậm hơn là vì so với khoảng da trắng trước kia, chúng mọc lại dễ thấy. Thực tế, trước và sau khi cạo, lông vẫn vậy dù bạn có tác động hay không.

Ngoài ra, lông mọc quá nhiều có thể là tác dụng phụ của thuốc hay bệnh lý nguy hiểm. Các thuốc có thể gây mọc lông nhiều gồm về hormone, ví dụ như Testoterone, Danazol hay steroid (Corticotrophin). Các thuốc khác cũng có tác dụng phụ làm mọc lông gồm Cyclosporin (chữa viêm da cơ địa), Minoxidil (cao huyết áp, chữa hói đầu và Diazoxide).

Các bệnh có thể dẫn đến mọc nhiều lông là hội chứng đa buồng trứng PCOS, hội chứng Cushing, tuyến thượng thận có khối u.

Tóm lại, lông mọc dài, ngắn, đậm hay nhạt là do cơ địa mỗi người. Triệt lông vĩnh viễn cần dựa vào các yếu tố cơ địa để tìm ra cách chữa trị hiệu quả nhất. Chúng ta có nhiều cách làm triệt lông vĩnh viễn, trong đó đốt nhổ bằng điện và laser là những cách an toàn và hiệu quả cao. Lông quá nhiều có thể là tác dụng phụ của thuốc hay bệnh lý hormone nguy hiểm.

PGS.TS.BS Huỳnh Wynn Trần hiện sinh sống tại Los Angeles, California, Mỹ. Ông là bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Methodist Hospital, giảng dạy tại Đại học Y khoa California Northstate.

Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP