Giáo dục

Không đổi mới, giáo dục đại học sẽ “chết” trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hướng nếu họ không trang bị kiến thức mới – kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam như thế nào?
photo 1 1477360074597
Tự động hóa sẽ thay thế con người

TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục dạy nghề cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang được hình thành. Những đột phá về công nghệ mới trong các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, robot, mạng Internet, phương tiện độc lập, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lược và tin học lượng tử sẽ còn tác động mạnh mẽ hơn tới đời sống xã hội. Trong cuộc cách mạng 4.0 này, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ bị tác động mạnh mẽ và toàn diện, doanh mục nghề đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì các ranh giới giữa các lĩnh vực rất mỏng manh.

Theo đó, sẽ là sự liên kết của các lĩnh vực lý – sinh; cơ – điện tử - sinh, hình thành những ngành nghề đào tạo mới, đặc biệt là sự liên quan đến sự tương tác giữa con người và máy (ví dụ: nghề trợ lý ảo, phục vụ ảo, thư ký ảo…). Những khái niệm phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo sẽ trở thành xu hướng trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp trong thời gian tới.

TS Minh cho rằng, sự chuyển dịch từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 sang cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực chất là sự chuyển dịch từ cách mạng số sang cuộc cách mạng của sự sáng tạo. Cuộc cách mạng này đang và sẽ buộc các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất và cách thức hoạt động kinh doanh của mình.

Cuộc cách mạng 4.0 sẽ tạo ra sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp, giữa các nền kinh tế và năng lực con người chứ không phải là nguồn vốn tài chính sẽ trở thành nhân tố quyết định của nền sản xuất.

Trong cuộc cách mạng này thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa chất lượng cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động chắc chắn sẽ phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất nếu không sẽ bị dư thừa, bị thất nghiệp.

Tiến sĩ Minh ví dụ: Cuối năm 2015, Ngân hàng Anh quốc đưa ra một dự báo: sẽ có 95 triệu lao động truyền thống sẽ bị mất việc trong vòng 10 – 20 năm tới chỉ riêng tại Mỹ và Anh – tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này và ở các quốc gia khác cũng sẽ có tình trạng tương tự.

Hàng loạt nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và thay thế vào đó là những nghề nghiệp mới. Thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế sẽ phân hóa mạnh mẽ giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hướng nếu họ không trang bị kiến thức mới – kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.

Thay đổi phương pháp đào tạo theo nhu cầu thị trường

TS Nguyễn Hồng Minh cho rằng, đối với GD Việt Nam để đáp ứng được nhu cầu nhân lực có chất lượng vào và đa dạng ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế 4.0, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới mạnh mẽ từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường để tạo ra những “sản phẩm”- người lao động tương lai có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh.

Tuy nhiên, hiện nay “sức ỳ” của nhiều năm đào tạo theo hướng cung với những chương trình đào tạo cứng và phương pháp đào tạo lạc hậu là lực cản của sự đổi mới này.

Trong khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nơi cung cấp nhân lực kỹ thuật chủ yếu cho nền kinh tế, vẫn đang tạo theo cách đã cũ. HS,SV với kiến thức kỹ năng đang được dạy trong nhà trường hiện nay còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế 3.0 hiện tại, có thể hoàn toàn không hữu dụng với nền kinh tế 4.0 hoặc đang dễ sàng bị robot thay thế trong tương lai gần.

Theo TS Minh, để đáp ứng nhân lực cho nền kinh tế sáng tạo, đòi hỏi phải thay đổi các hoạt động đào tạo, nhất là phương thức và phương pháp đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của CNTT. Tuy nhiên, hiện nay các điều kiện đảm bảo cho sự thay đổi này vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó cần sự thay đổi trong quản trị nhà trường. Cách mạng 4.0 đòi hỏi phương thức và phương pháp đào tạo thay đổi với sự ứng dụng mạnh mẽ của CNTT. Đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. Điều này tác động đến bố trí cán bộ quản lý, phục vụ và đội ngũ giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Song song với việc nâng cao chất lượng “máy cái”, đổi mới mô hình nhà trường là giải pháp rất cần thiết. Cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chỉ đào tạo “những gì thị trường cần” và hướng tới chỉ đào tạo “những gì thị trường sẽ cần”. Theo mô hình mới này, việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là yêu cầu được đặt ra; đồng thời, đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia các nguồn lực chung.

Đặc biệt, Tiến sĩ Minh cho rằng, phải đổi mới quản lý cả ở cấp vĩ mô và cấp cơ sở đối với giáo dục nghề nghiệp. Với sự xuất hiện ở những lớp học ảo, nghề ảo, chương trình ảo và những yêu cầu của thị trường lao động với những kỹ năng sáng tạo mới, đòi hỏi phải có sự quản lý chung để một mặt hướng tới sự đảm bảo “mặt bằng” chất lượng.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, theo tiến sĩ Minh, nền giáo dục hiện nay phải đổi mới cơ chế chính sách đối với cơ sở GDNN. Tăng cường tính tự chủ trong hoạt động đào tạo và quản trị nhà trường đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin trong toàn bộ hệ thống quản lý giáo dục nghề nghiệp; phương pháp đào tạo cần thay đổi căn bản trên cơ sở lấy người học làm trung tâm và ứng dụng CNTT trong thiết kế bài giảng; đồng thời phải nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường việc gắn kết cơ cở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; gắn nghiên cứu với các hoạt động chuyển giao tại cơ sở.

Phải tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý và xã hội để các nhà đầu tư, nước ngoài mở cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao tại Việt Nam; thực hiện liên kết, hợp tác tổ chức đào tạo nghề nghiệp.

Tác giả bài viết: Nhật Hồng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP