Giáo dục

Hy hữu: Toàn bộ học sinh lớp 9 của quận phải thi lại vì... điểm thấp

Mới đây, một sự việc hy hữu xảy ra tại Hà Nội khi toàn bộ học sinh lớp 9 của quận Thanh Xuân phải thi lại môn Toán học kỳ I vào ngày 17/12. Đại diện phòng GD&ĐT quận lý giải do tỷ lệ điểm dưới trung bình trong lần thi đầu lên đến 70%.

Cụ thể, ngày 17/12 vừa qua, toàn bộ học sinh lớp 9 tại các trường THCS trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã phải làm lại bài thi học kỳ I môn Toán. Lý do được đưa ra là điểm thi môn học này của học sinh lớp 9 trên toàn quận trong lần thi đầu tiên quá thấp. Được biết, theo con số hiện tại, trên địa bàn quận Thanh Xuân có khoảng 3.000 học sinh phải thi lại môn này.

Trước đó, ngày 12/12, học sinh lớp 9 tại các trường THCS trên địa bàn quận Thanh Xuân đã tham gia kỳ thi hết học kỳ I năm học 2019-2020.

Lý giải về việc tổ chức thi lại môn Toán học kỳ I, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Xuân cho biết: "Quận Thanh Xuân quyết định tổ chức thi lại vì đề thi ra trước đó không phù hợp với dạng bài của học sinh đã học và ôn trên lớp".

Theo đó, nội dung kiến thức đề thi vẫn nằm trong chương trình lớp 9. Tuy nhiên, ban ra đề của phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân đã ra một ma trận đề mới nên trở thành "thách thức lớn" với học sinh. Do các trường chưa được tập huấn, làm quen với ma trận đề mới này nên thấy không hợp lý và đã báo cáo cấp trên.

Đề thi học kỳ I môn Toán của phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân ngày 12/12.

Sau khi nhận được báo cáo và kiểm tra thấy kết quả thi học kỳ I môn Toán của học sinh lớp 9 có điểm thấp bất thường (cụ thể, 70% điểm bài thi dưới trung bình, còn 30% điểm bài thi đạt điểm từ trung bình trở lên), vì vậy, phòng GD&ĐT Thanh Xuân đã họp đánh giá lại đề thi.

Trong quá trình đánh giá, vị lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân khẳng định, đề thi không có lỗi, vẫn nằm trong chương trình, nhưng chuyên viên ra đề theo hướng mới nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh lớp 10. Do chưa được làm quen và thực hành nhuần nhuyễn, nên học sinh đã lúng túng, dẫn đến việc làm bài không tốt, 70% điểm dưới trung bình.

"Đề thi có những dạng câu hỏi mới đối với các em học sinh, có 1-2 câu yêu cầu quá dài so với thời gian làm bài khiến học sinh mất nhiều thời gian. Cùng với đó, ma trận đề thi chưa được định hướng kỹ với các nhà trường. Các trường chưa được tập huấn và làm quen nên tôi thấy không hợp lý và đã báo cáo cấp trên và cho kiểm tra lại với tất cả học sinh, kể cả các em có điểm từ trung bình trở lên, để kết quả công bằng với học sinh”, ông Phạm Gia Hữu thông tin.

Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân.

Chính vì vậy, sau đó phòng GD&ĐT đã quyết định cho học sinh toàn bộ khối 9 trên địa bàn quận làm lại bài kiểm tra học kỳ I với môn Toán.

Vị lãnh đạo phòng GD&ĐT Thanh Xuân cũng bày tỏ, đây là sự cố đáng tiếc, mong phụ huynh và học sinh thông cảm. Phòng GD&ĐT sẽ chú ý và sát sao hơn trong công tác ra đề, tập huấn kịp thời cho giáo viên về cách ra đề mới.

Buổi thi lại được tổ chức vào ngày 17/12, dự kiến công bố kết quả vào ngày 20/12. Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân chịu trách nhiệm ra đề.

Trước đó, cũng có một số trường hợp hy hữu về đề thi khiến hàng nghìn học sinh phải tham gia thi lại để đảm bảo kết quả công bằng.

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 của tỉnh Quảng Bình, sau khi kết thúc buổi thi Ngữ văn vào sáng ngày 3/6, nhiều người "nhận ra" đề thi "vô tình" giống khá nhiều với đề kiểm tra học kỳ II năm học 2018-2019 của phòng GD&ĐT TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Theo đó, cả hai đề đều có phần Đọc - hiểu (3 điểm) và phần Làm văn (7 điểm). Ở phần Đọc - hiểu, cả hai đề đều sử dụng câu chuyện “Hoa hồng tặng mẹ” làm ngữ liệu để hỏi các câu tương tự nhau về nội dung và thông điệp của đoạn văn.

Ở phần Làm văn, cả 2 đề giống hệt nhau, trong đó câu 1 (2 điểm) yêu cầu từ phần Đọc - hiểu, các thí sinh sẽ viết một đoạn văn nghị luận dài khoảng 100 chữ, trình bày suy nghĩ về tình mẫu tử (lòng hiếu thảo). Câu 2 của phần Làm văn đều chung nội dung phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của tác giả Lê Minh Khuê.

Chính vì vậy, sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cũng đã phải chọn phương án tổ chức cho toàn bộ hơn 6.400 thí sinh thi lại môn Ngữ văn để đảm bảo công bằng.

Tác giả: Cẩm Mịch

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP