Xã hội

Hy hữu bé trai chào đời nặng 6,1kg

Cháu bé là con của sản phụ H.T.N (SN 1983), được sinh mổ tại khoa Sản, Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) vào ngày 31/8/2023. Đây được ghi nhận là trường hợp rất hiếm gặp tại Việt Nam.

Hiện sức khỏe của sản phụ và em bé đều ổn định, đang chờ xuất viện. (Ảnh Bệnh viện Lê Văn Việt cung cấp)

Theo sản phụ, đây là lần sinh con thứ 3 và 2 lần trước con của chị cân nặng đều trên 3kg, sinh thường nên lần này chị không khám thai đều đặn, chỉ đến khi có dấu hiệu sinh mới tới bệnh viện.

Các bác sĩ khoa Sản, Bệnh viện Lê Văn Việt cho biết việc thai nhi nặng 6,1kg là cực kỳ hiếm gặp và có rất nhiều nguy cơ cho mẹ và bé khi chuyển dạ sinh. Riêng trường hợp chị H.T.N còn bị đái tháo đường thai kỳ (có thể bị đái tháo đường trước mang thai hay khi đang mang thai) mà không được khám và tư vấn điều trị của bác sĩ.

May mắn là sản phụ đến kịp thời được các bác sĩ khám, siêu âm, xét nghiệm máu. Ê kip trực sinh xác định sản phụ bị tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ nên quyết định mổ cấp cứu, hiện mẹ và bé ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Về nguyên nhân thai to bất thường này các bác sĩ cho biết: thường gặp nhất là do mẹ bị đái tháo đường, có thể bị đái tháo đường thai kỳ, ngoài ra còn do yếu tố di truyền.

Nói thêm về bệnh đái tháo đường thai kỳ các bác sĩ cũng cảnh báo về nguy cơ cho mẹ và bé.

Nguy cơ cho bé: thai to, tăng nguy cơ kẹt vai khi sinh, tăng nguy cơ thai chết trong tử cung; thai có thể bị suy dinh dưỡng do suy chức năng bánh nhau; chậm trưởng thành các cơ quan như phổi gây suy hô hấp sau khi sinh; hạ đường huyết, hạ canxi máu cho bé sau khi sinh; tăng nguy cơ dị tật thai và nhiều bất lợi khác,...

Nguy cơ cho mẹ: tăng nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật; đa ối gây nhiều biết chứng; tăng nguy cơ mổ sinh do thai to; tăng tỷ lệ bị đái tháo đường sau này.

Để cảnh báo về bệnh đái tháo đường thai kỳ và các nguy cơ ảnh hưởng tới mẹ và bé, bác sĩ khuyên các mẹ bầu cần khám thai định kỳ để phát hiện sớm đái tháo đường thai kỳ (thường được làm xét nghiệm đường huyết lúc thai 24 đến 28 tuần).

Nếu bị bệnh các bác sĩ sẽ lên kế hoạch theo dõi sát chỉ số đường huyết định kỳ, tư vấn chế độ ăn phù hợp, kết hợp vận động để kiểm soát đường huyết ổn định và cân nặng thai nhi được tốt hơn.

Tác giả: Huy Hùng

Nguồn tin: Pháp luật & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP