Cách chữa bệnh theo kiểu "mách" nhau giữa các mẹ bỉm sữa tiềm ẩn nhiều nguy hiểm |
Thổi bột sắn dây, nhỏ nước gừng vào tai để chữa viêm tai giữa, hay đánh gió đồng bạc với lòng trắng trứng để hạ sốt… là rất nhiều cách “chữa bệnh truyền miệng” phi khoa học mà không ít các bà mẹ đã ứng dụng cho con mình.
Tai con ứ dịch vì bị mẹ thổi bột sắn dây
Chị Nguyễn Minh A. (Phủ Lý, Hà Nam) đưa cậu con trai mới gần 1 tuổi lên Hà Nội khám vì tai chảy mủ nặng và sốt cao liên tục. Trước đó, đi khám ở tuyến dưới, bác sĩ cho biết, con chị A. bị viêm tai giữa cần chích thông dịch. Tuy nhiên, nghe nói đến việc phải chích, chị A. sợ ảnh hưởng đến thính lực của cậu con trai nên bỏ điều trị, ôm con về. Được mấy người bạn bày cho cách thổi bột sắn dây vào tai con để chữa viêm tai giữa, chị thực hiện liền trong một tuần.
Tuy nhiên, bệnh không đỡ, con trai lại tái sốt cao liên tục, chị A. vội đưa con đi khám ở tuyến trên. “Bác sĩ bảo bé con nhà tôi viêm nặng, có dấu hiệu lan sâu vào xương chũm… mà nguyên nhân lại do việc thổi bột sắn dây vào tai khiến dịch tai không thoát ra được. Bác sĩ cũng bảo, nếu chậm thêm vài hôm, viêm tai giữa sẽ biến chứng, ảnh hưởng nội sọ, có nguy cơ để lại di chứng thần kinh lâu dài, thậm chí tử vong”, chị A. lo lắng cho biết.
Theo BS. Nguyễn Hoàng Sơn, Hội Tai Mũi Họng Hà Nội, việc điều trị viêm tai giữa sai cách xảy ra rất phổ biến. Phần nhiều các mẹ hay tự ý chữa bệnh cho trẻ bằng các phương pháp dân gian, truyền miệng, phi khoa học. Khi trẻ viêm tai giữa, cha mẹ lại thổi bột vào tai trẻ sẽ khiến bệnh nặng hơn vì bột vào tai gây bít tắc lỗ tai các dịch trong tai không thoát ra được, dễ đóng mủ và biến chứng ngược vào nội sọ khiến bệnh nặng hơn. BS. Sơn cũng cho hay, trong quá trình thăm khám cho nhiều trẻ, có trường hợp, mẹ nhỏ nước gừng vào tai con để chữa viêm tai giữa khiến cháu bé bị giảm thính lực, ứ dịch mủ trong tai… nguy cơ cao gây điếc cho trẻ nếu không được can thiệp kịp thời.
Theo bác sĩ, bệnh lý viêm tai giữa cấp thường được chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn sung huyết, giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ. Nếu viêm tai giữa ở giai đoạn sung huyết chỉ cần điều trị nội khoa bằng kháng sinh toàn thân. Nếu viêm tai giữa chuyển sang giai đoạn ứ mủ thì việc chích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ được cân nhắc và sử dụng đồng thời với các thuốc điều trị toàn thân khác như trong giai đoạn sung huyết.
“Điều cần nhớ việc chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa cho trẻ phải được thực hiện bởi bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng. Tuyệt đối không nên tự ý điều trị cho trẻ, nguy cơ cao để lại di chứng nặng nề như điếc không hồi phục…”, BS. Sơn khuyến cáo.
Hạ sốt bằng đánh gió đồng bạc, lòng trắng trứng?
Cách hạ sốt cho con bằng việc đánh gió cho trẻ bằng đồng bạc và lòng trắng trứng cũng được nhiều bà mẹ lưu truyền bấy lâu. Theo chia sẻ của một mẹ bỉm sữa trên mạng xã hội, con chị bị sốt phải nhập viện với chẩn đoán sốt nhiễm khuẩn. Sau 3 ngày nằm viện được bác sĩ kê đơn thuốc nhưng trẻ vẫn sốt cao đều đặn 3 lần/ngày. Khi người mẹ được mách nước với cách đánh gió như nêu trên, thì trẻ hạ hẳn sốt, khỏe hẳn (?)…
Theo lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Hà Nội, đánh gió hay cạo gió là phương pháp chữa bệnh dân gian được dùng phổ biến trong các trường hợp cảm lạnh. Tuy nhiên, phương pháp này không nên áp dụng với trẻ nhỏ, bởi da của trẻ rất non và mỏng nên dễ bị tổn thương, khí huyết của bé cũng rất yếu không chịu được nhiệt độ cao khi đánh gió. Đáng nói, nếu trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết, gây khó khăn khi xác định bệnh vì khó phân biệt vùng xuất huyết do nguyên nhân nào…
Theo BS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, sốt chỉ là triệu chứng, không phải bệnh. Đây là phản ứng thông thường của cơ thể khi không may bị nhiễm virus, vi khuẩn. Nếu sốt không làm cho trẻ chán ăn, không gây bứt rứt, khó chịu thì trẻ sẽ hết sốt tự nhiên và phần lớn các bệnh nhiễm trùng lại nhanh khỏi.
Theo lưu ý của BS. Nguyễn Tiến Dũng, nếu trẻ sốt 38,50 trở lên, bố mẹ nên cho con uống thuốc hạ sốt paracetamol và ibuprofel. Tuy nhiên, bố mẹ không nên cho trẻ uống xen kẽ hai loại thuốc này vì liều lượng khác nhau. Khi trẻ sốt, cha mẹ lưu tâm việc để phòng ở của trẻ thoáng khó, nới lỏng quần áo, tã lót cho trẻ. Đồng thời, lấy khăn thấm nước ấm vắt kiệt lau trán, 2 hốc nách và bẹn cho trẻ, thay khăn 2-3 phút/ lần để trẻ hạ nhiệt. Bên cạnh đó, cha mẹ cần để ý bù nước khi trẻ sốt…
“Với cách hạ sốt truyền miệng như chườm chanh, đánh gió hay lăn lươn... như nhiều phụ huynh chia sẻ trên mạng xã hội hay truyền miệng cho nhau đều chưa được kiểm chứng khoa học. Do vậy, các phụ huynh cần thận trọng. Lưu ý nếu trẻ sốt cao liên tục, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời”, BS. Dũng khuyến cáo.
Tác giả: Vũ Tú
Nguồn tin: Báo Giao thông