Thế giới

Hé lộ cuộc gọi "nảy lửa" Putin - Macron ngay trước xung đột Ukraine

Ngay trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm khá căng thẳng với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn chiến sự nhưng bất thành.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP).

Theo AFP, trong suốt 6 tháng, thậm chí trước khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có ít nhất 100 giờ điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Moscow và Kiev. Cuộc điện đàm cuối cùng giữa họ diễn ra hôm 20/2, chỉ 4 ngày trước khi Tổng thống Putin ra lệnh mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

"Ông Vladimir này, trước hết...", Tổng thống Macron định bày tỏ ý kiến trước khi bị ngắt lời. "Ông Emmanuel, ông hãy nghe này...", ông Putin nói. Cuộc điện đàm diễn ra khá căng thẳng khi hai nhà lãnh đạo đều muốn nói rõ lập trường về vấn đề Ukraine.

Ở phần đầu cuộc điện đàm, ông Macron đề nghị: "Trước hết, tôi muốn biết ông nhìn nhận tình hình như thế nào, hãy thẳng thắn nói với tôi ý định của ông là gì".

"Tôi có thể nói gì? Ông cũng tự thấy chuyện gì đang xảy ra đó thôi", chủ nhân Điện Kremlin đáp lại khi cáo buộc Ukraine phá vỡ hiệp ước Minsk về giải quyết xung đột ở Donbass, miền Đông Ukraine. Ông Putin cũng cáo buộc chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo Nga nói: "Thực tế, người đồng cấp Zelensky yêu quý của chúng ta không tuân thủ hiệp ước Minsk".

Ngay lập tức, ông Macron đáp lại: "Tôi không biết cố vấn luật của ông có học luật không, nhưng với tôi, tôi chỉ quan tâm đến thỏa thuận và cố gắng tuân thủ chúng".

Ông Putin sau đó tranh luận cần tính đến các đề nghị của phe ly khai ở miền Đông Ukraine. "Chúng tôi không quan tâm những đề xuất của phe ly khai", ông Macron phản bác khá căng thẳng.

Bất chấp những tranh luận "nảy lửa", ông Macron vẫn nỗ lực đóng vai trò hòa giải. Ông cho biết sẽ hối thúc Tổng thống Zelensky "trấn an mọi người", không chỉ quân đội mà cả cộng đồng mạng. "Đừng làm điều gì căng thẳng trong những giờ, những ngày tới", ông Macron nhấn mạnh với người đồng cấp Nga.

Kết thúc điện đàm, ông Macron gợi ý tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Putin không phản đối, nhưng dường như cũng không mặn mà ấn định một kế hoạch cụ thể vì cho rằng một cuộc họp như vậy cần được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Điện Elysee sau đó thông báo với truyền thông rằng các bên đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Biden - Putin, song thực tế cuộc họp không diễn ra.

Chỉ 4 ngày sau cuộc điện đàm, Tổng thống Putin hôm 24/2 thông báo mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine nhằm bảo vệ người dân ở Donbass. Moscow cho hay, các lãnh đạo ly khai Donbass đã đề nghị Nga hỗ trợ sau khi có bằng chứng quân đội Ukraine chuẩn bị tổng tấn công để giành lại quyền kiểm soát miền Đông. Kiev đã bác bỏ cáo buộc.

Tổng thống Macron là một trong những nguyên thủ nước ngoài nỗ lực thực hiện vai trò trung gian hòa giải nhằm tháo ngòi căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Ông Macron cho biết, ông không bao giờ giấu giếm các cuộc trò chuyện với Tổng thống Putin và rằng các cuộc trao đổi với chủ nhân Điện Kremlin được thực hiện theo đề nghị của Tổng thống Ukraine Zelensky.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP