Thế giới

Hàng loạt nước đón người Afghanistan chạy trốn Taliban

Việc sơ tán người Afghanistan khỏi nơi tập trung ở Kabul trở thành nỗ lực toàn cầu, với hàng chục quốc gia hỗ trợ, đồng ý làm điểm trung chuyển và tái định cư cho người tị nạn.

Sự tham gia ngày càng đông của nhiều quốc gia vào quá trình sơ tán người nước ngoài và công dân Afghanistan cho thấy sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế đối với cảnh tượng tồi tệ từ sân bay Kabul những ngày gần đây, New York Times đưa tin ngày 21/8.

Ngoại trưởng Antony J. Blinken cho biết 12 quốc gia đã và sẽ đóng vai trò là điểm dừng quá cảnh ngắn hạn cho các chuyến bay quân sự của Mỹ ra khỏi Afghanistan.

Ngoài ra, ông Blinken cho biết có 13 quốc gia khác cũng cam kết giúp tái định cư cho người Afghanistan.

Mỹ đang cố tăng tốc các chuyến bay sơ tán. Tuy nhiên, nước này gặp trở ngại khi Căn cứ Không quân Udeid ở Qatar, nơi hàng nghìn người Afghanistan đợi sang nước khác, đạt tới giới hạn. Các chuyến bay của Mỹ rời Kabul phải tạm dừng trong 6 giờ.

Đám đông cố gắng chạy trốn khỏi Afghanistan xếp hàng bên ngoài sân bay Kabul vào ngày 20/8. Ảnh: New York Times.

Cùng ngày, thiếu tướng William Taylor thuộc Bộ Tham mưu quân đội Mỹ cho biết trong 24 giờ qua, nước này sơ tán được 6.000 người, nâng tổng số người rời khỏi Kabul lên con số 13.000 kể từ ngày 14/8.

Trong những ngày gần đây, các quốc gia khác cũng tăng cường nỗ lực sơ tán công dân.

Hôm 20/8, Indonesia thông báo nước này đã đưa 26 ​​công dân, cùng 2 người Afghanistan và 5 người nước khác ra khỏi Afghanistan.

Cùng ngày, đại sứ Pakistan tại Kabul cho biết chính phủ sẽ sơ tán 350 người, bao gồm công dân Pakistan, Afghanistan và những người khác trên hai chuyến bay thương mại.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có thái độ chào đón như vậy.

Ấn Độ cho biết nước này sẽ ưu tiên những người tị nạn theo đạo Hindu và đạo Sikh đến từ Afghanistan - nơi có hơn 99% là người Hồi giáo - trong việc cấp thị thực khẩn cấp đặc biệt.

Chính phủ Hy Lạp vừa thông báo hoàn thành xây dựng một bức tường ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ dài khoảng 40 km, đồng thời lắp đặt thêm hệ thống giám sát để ngăn dòng người tị nạn tiếp cận châu Âu, sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan.

Bộ trưởng Di trú Hy Lạp Notis Mitarachi khẳng định đất nước ông “sẽ không phải là cửa ngõ” vào châu Âu cho những người di cư Afghanistan bất hợp pháp.

Tác giả: Phương Linh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP