Kinh tế

Độc đáo gian hàng đặc sản tiêu biểu miền núi Quế Phong

Hàng chục sản phẩm, sản vật tiêu biểu của đồng bào ở huyện Quế Phong (Nghệ An) làm ra được trưng bày tại gian hàng đặc biệt ở thị trấn phố núi Kim Sơn. 

Hơn 40 sản vật tiêu biểu

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Hiền - Trưởng ban phát triển nông thôn miền núi huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, từ ngày Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lê Văn Giáp ký quyết định phê duyệt danh sách các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu tại gian hàng và giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu huyện đã thu hút nhiều khách hàng, bà con gần xa đã đến tham quan, mua sắm nhiều hơn so với những ngày đầu.

Gian hàng ngày khai trương các sản phẩm, sản vật tiêu biểu huyện Quế Phong.

Gian hàng trưng bày tuy chưa lớn nhưng hiện đã có hơn 40 sản phẩm được giới thiệu, bày bán tại thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong). Các mặt hàng tương đối phong phú, nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao, người tiêu dùng ưa thích.

Cụ thể một số mặt hàng như: Mây tre đan (bàn, ghế, mâm không đủ hàng đáp ứng người tiêu dùng); dệt thổ cẩm như: váy người Thái và váy người Mông hoàn chỉnh, thắt lưng, nệm nằm, gối nằm, chăn Phiêu... Hàng nông sản (gạo, nếp, nấm, chanh leo, nếp cẩm); nhiều loại dược liệu: chè hoa vàng, chuối khô, mú từn khô và nhiều loại dược liệu khác.


Ngoài ra gian hàng còn còn có mật ong rừng, dao mẹo, tượng gỗ điêu khắc...
Nhiều người dân tìm đến gian hàng để tham quan và mua sắm.

Theo ông Hiền, bước đầu gian hàng đã giới thiệu, quảng bá được một số sản phẩm tiêu biểu của huyện đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Có những sản phẩm nhận được đơn đặt hàng của các công ty như: Chè hoa vàng, mật ong rừng... Đây cũng là một bước đột phá, cách làm mới được tỉnh và các huyện khác đánh giá cao. Tạo ra được cầu nối giữa người tiêu dùng và người sản xuất trong huyện.
Gạo thơm ngon
Rất nhiều đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm của đồng bào ở huyện Quế Phong tự làm ra.

Ông Hiền thẳng thắn thừa nhận, các sản phẩm hàng hóa của người dân chưa phong phú, đa dạng, chưa thật sáng tạo. Các sản vật đang ở dưới dạng thô chưa được chế biến.

Tìm hướng đi cho nông sản chủ lực

Theo ông Hiền, cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, xây dựng cơ chế phù hợp với từng sản phẩm, mặt hàng để phát triển kinh tế, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá sản phẩm. Nhằm xây dựng các sản phẩm, mặt hàng của các hộ dân làm kinh tế, các trang trại, gia trại, các HTX trong thời kỳ đổi mới.

Cần tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế hợp tác, HTX và trang trại, gia trại, các hộ kinh tế giỏi chuyển dịch cơ cấu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo để phát triển kinh tế các HTX, kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại đẩy mạnh phát triển kinh tế theo đúng định hướng.

Nhiều bộ đồ, sản phẩm thổ cẩm đẹp được bày bán.

Ngoài ra, cần xác định các sản phẩm, mặt hàng nông sản chủ lực để tạo thành hàng hóa của từng vùng, từng địa phương thông qua chủ trương, chính sách, định hướng và lộ trình cụ thể.

Cần phát triển nhiều hàng hóa phong phú, sáng tạo các sản phẩm có chất lượng cao như mây tre đan, dệt thổ cẩm, các loại nông sản sạch.

Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Lê Văn Giáp cho biết, đời sống của đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều sản sản phẩm đặc trưng của đồng bào làm ra còn gặp khó khăn về nơi tiêu thụ. Trong khi đó, trên địa bàn còn ít doanh nghiệp đồng hàng với người dân để tiêu thụ các sản phẩm theo mùa.

Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong.

Theo ông Giáp, HĐND và UBND huyện Quế Phong với quyết tâm mở gian hàng giúp dân trao đổi hàng hóa, tiêu thụ các sản phẩm, sản vật trong và ngoài huyện do bà con làm ra. Để sản phẩm của người dân làm ra có nơi tiêu thụ, bán được giá, nhằm cải thiện đời sống nhân dân, ổn định cuộc sống và tạo động lực phát triển kinh tế chung.

Huyện sẽ xúc tiến thành lập HXT để nâng cao tính chủ động và tự chủ. Đồng thời tiếp tục cơ chế hỗ trợ mở gian hàng tương tự ở thành phố Vinh trong thời gian sắp tới.

Tác giả: Bảo An
Nguồn: tinnhanhonline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP