Khi chúng tôi tìm đến căn nhà của cậu học trò đầy nghị lực ở Phường Đông Vĩnh - ngoại ô Thành phố Vinh thì chị Trần Thị Sửu, mẹ Kiên cũng vừa mới được xuất viện về nhà sau 3 tháng điều trị.
Nói về con trai, không kìm được nước mắt, chị nghẹn ngào: “Nằm viện, cứ nghĩ đến con ở nhà một mình trong thời gian ôn thi vừa thương lại vừa lo. Đến khi nghe con báo được điểm cao, tôi mừng lắm, thấy trong người nhẹ hẳn, khỏe hơn!”…
Trần Trung Kiên những ngày đang học ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: NVCC |
38 tuổi, mẹ Kiên mới lập gia đình và sinh con trai đầu là Kiên. Tiếng là nhà ở thành phố, nhưng cuộc sống của cả gia đình 4 người lại chỉ nhờ vào mấy sào ruộng của bà ngoại Kiên ở Nghi Kiều (Nghi Lộc) và đồng lương ít ỏi từ nghề bảo vệ tại Khách sạn Hữu Nghị của bố. Cuộc sống càng khó khăn hơn, khi cách đây 3 tháng, đúng vào lúc giai đoạn ôn thi nước rút của Kiên thì mẹ em bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người. Hoàn cảnh đó, buộc Kiên phải ở nhà một mình, còn bố và em phải ra Hà Nội đưa mẹ đi điều trị.
Nhớ lại những ngày tháng đó, Kiên chưa hết bất an: Khi thấy mẹ nằm bất động, thập tử nhất sinh em bị chấn động tâm lý rất lớn. Những ngày đầu dường như không thể học được. Sau đó, càng nghĩ đến mẹ, em lại càng quyết tâm hơn và tự nhủ: phải học thật tốt, thi đạt điểm cao để vào được Học viện Quân y như mong muốn của mẹ.
Từ ngày mẹ nhập viện, Kiên phải tự nấu ăn mà thực đơn chính của em là "mì tôm úp" rồi đạp xe đến trường, tối về nhà lại vùi đầu vào học, "đói quá lại pha mì tôm". Thương Kiên, vài ba ngày các bạn trong lớp lại sang giúp đỡ rồi cùng nhau ôn tập.
Việc học nhóm cũng giúp Kiên và các bạn tiến bộ rất nhanh, đặc biệt là với việc làm đề thi theo hình thức trắc nghiệm: Chúng em tự đọc câu hỏi và tự trả lời. Nếu gặp câu nào khó cả nhóm sẽ cùng bàn luận, tìm lời giải. Với cách học này, điểm yếu của từng bạn đã khắc phục được rất nhanh…
Kiên hướng dẫn bài cho em gái ở nhà. Ảnh: Mỹ Hà |
Kiên cũng là lớp phó học tập và phụ trách địa chỉ mail chung của lớp. Để việc học hiệu quả, mỗi bạn trong lớp đều có thể vào mail. Trong quá trình ôn tập, nếu ai tìm được tài liệu gì hay, lý thú thì gửi vào mail chung, xây dựng thành nguồn tham khảo bổ ích. Nói về Kiên, cô giáo Hoàng Thị Tân, Chủ nhiệm lớp cũng rất tự hào về cậu học trò của mình bởi Kiên là cậu bé rất can đảm, giàu nghị lực và chịu khó.
Điều đáng khâm phục là Kiên học rất chắc nhưng chủ yếu chỉ học ở trường và hầu như không học thêm. Nói về lý do, Kiên cho biết “Em chỉ học ở trường, bởi em thấy kiến thức thầy cô giáo dạy đầy đủ rồi. Mình cũng cần phải có thời gian để củng cố lại bài học nên việc học thêm là không cần thiết và em cũng không có thời gian để học thêm nữa”.
Một cách học khác, Kiên thấy khá có hiệu quả đó là vào Facebook của những thầy giáo nổi tiếng để xin tài liệu hoặc sưu tầm những bài tập khó. Tuy nhiên, Kiên chỉ sử dụng Facebook để học, nên cách “cai” Facebook của Kiên trong thời gian ôn thi là hầu như không kết bạn với ai hoặc không vào xem các trang giải trí.
Tranh thủ những ngày chưa nhập học, Kiên giúp mẹ tập đi. Ảnh: Mỹ Hà |
Bằng cách học này nên khi vào phòng thi, Kiên khá tự tin. Kết quả sau những ngày tháng lao vào học với sự quyết tâm và đam mê đã giúp cậu học trò Quốc học Vinh đạt tổng điểm khối A 28,75 (Toán 10 điểm, Vật lý 9 điểm, Hóa học 9,75 điểm).
Chia sẻ thêm về kết quả, Kiên bảo em rất vui, đặc biệt là khi không chỉ Kiên mà tất cả tập thể lớp 12A1 đều có điểm trung bình trên 25 điểm. Trong đó có 4 bạn, gần 29 điểm. Điều tiếc nuối duy nhất của Kiên là môn Vật Lý, bởi mục tiêu em đặt ra là được 10 điểm chứ không phải 9 điểm. “Em đã để sai ở những câu dễ. Bởi quá trình học, em toàn hứng thú với câu khó. Trong khi đó với đề thi trắc nghiệm, dù khó hay dễ thì điểm số mỗi câu đều là 0,25 điểm/câu”.
Với 28,75 điểm, cánh cổng vào Học viện Quân y của Kiên cũng đã rất gần. Bản thân Kiên cũng cho biết, được học Quân y, nghĩa là em đã thỏa được ước mơ “3 trong 1”, đó là vừa bớt gánh nặng học phí cho bố mẹ, vừa được là sỹ quan quân đội, vừa được làm bác sỹ - công việc mà em mơ ước từ nhỏ…
Riêng với gia đình Kiên, thành công đầu tiên của cậu con trai đã đem đến cho gia đình một hy vọng mới, hy vọng về một tương lai không còn vất vả, nhọc nhằn...
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Nghệ An