Bạn cần biết

Gặp tiểu đường, nhớ “thương” củ cải

Củ cải là một nguồn chất xơ tuyệt vời giúp giảm cân và giảm mức cholesterol trong máu. Ngoài ra, người mắc chứng tiểu đường nên bổ sung loại rau củ này vào thực đơn mỗi ngày.

Bệnh nhân tiểu đường thường được khuyên hạn chế thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao vì chúng có thể ảnh hưởng xấu đến lượng đường trong máu. Ngoài ra, họ được khuyến nghị nên ăn những món giúp duy trì lượng đường trong máu. Một trong số đó là củ cải.

Là một loại rau củ được tiêu thụ rộng rãi vào mùa đông, củ cải có thể được chế biến thành món salad, súp và các món nấu chín khác. Tất cả đều rất có lợi cho sức khỏe.

Củ cải là một trong những thực phẩm giàu vitamin C nhất. Ảnh: ThinkBangalore

TS Sneha Satla, chuyên gia dinh dưỡng cao cấp làm việc tại Bệnh viện Chuyên khoa Nhân dân, nói với Indian Express: "Củ cải là một trong những thực phẩm giàu vitamin C nhất, đồng thời chứa một lượng nhỏ phốt-pho, mangan, kali, magiê. Vitamin C là chất chống ôxy hóa, giúp chống lại các gốc tự do trong cơ thể và ngăn ngừa tổn thương tế bào do lão hóa và lối sống thiếu lành mạnh".

Tương tự, chuyên gia dinh dưỡng Lovneet Batra cũng cũng liệt kê nhiều lợi ích của loại rau củ này trên Instagram: "Củ cải, hay còn được gọi là mooli, là một loại rau củ phổ biến trong bữa ăn của người Ấn Độ và mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể".

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sau đây là những lợi ích của loại rau này:

* Chống ung thư: Theo một nghiên cứu, các loại rau họ cải có chứa các hợp chất được phân hủy thành isothiocyanates khi kết hợp với nước. Isothiocyanates giúp thanh lọc các chất gây ung thư ra khỏi cơ thể và ngăn chặn sự phát triển của khối u.

* Kiểm soát bệnh tiểu đường: Các loại thực phẩm bạn ăn ảnh hưởng đến lượng đường trong máu theo những cách khác nhau và biểu thị qua chỉ số đường huyết. Do đó, nếu chỉ số GI thấp, bạn sẽ ít gặp phải tình trạng tăng đột biến đường huyết.

Bệnh nhân tiểu đường thường được khuyên hạn chế thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao. Ảnh: Healthline

Củ cải có hàm lượng calo và GI thấp, rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Nó cũng là một nguồn chất xơ tuyệt vời có thể giúp bạn giảm cân và giảm mức cholesterol trong máu. Đặc tính chống tiểu đường mạnh của củ cải kích hoạt phản ứng miễn dịch, tăng cường hấp thu glucose và điều chỉnh lượng đường trong máu.

"Adiponectin là một loại hormone chịu trách nhiệm điều chỉnh lượng glucose trong máu. Củ cải có chứa các hợp chất hoạt tính sinh học điều chỉnh adiponectin và đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cân bằng nội môi glucose" - chuyên gia Batra viết.

TS Satla nhấn mạnh: "Củ cải cũng có khả năng tăng cường cơ chế bảo vệ chống oxy hóa và giảm sự tích tụ của các gốc tự do, tác động đến quá trình đông máu glucose do nội tiết tố, thúc đẩy sự hấp thụ glucose và chuyển hóa năng lượng, giảm sự hấp thụ glucose trong ruột".

Nhà dinh dưỡng học Shivani Kandwal, người sáng lập Nutrivibes, đồng tình: "Nếu bị tiểu đường, bạn nên ăn thêm nửa chén củ cải mỗi ngày hoặc ép nước uống. Việc bổ sung này sẽ làm giảm nguy cơ tim mạch, kháng viêm đường tiết niệu, chống lại các gốc tự do và cải thiện chuyển hóa lipid".

Ngoài ra, ăn củ cải có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, giúp ngăn ngừa tình trạng kháng insulin. "Củ cải có coenzyme Q10, giúp ngăn ngừa sự phát triển của bệnh tiểu đường. Hàm lượng chất xơ cao trong củ cải giúp quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi, ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ giải phóng đường vào máu một cách chậm rãi và đồng đều" - cô Kandwal bổ sung.

* Hạ huyết áp: Củ cải cung cấp kali giúp điều chỉnh mức huyết áp và giữ cho tim hoạt động bình thường.

Cô Lovneet viết: "Chúng chứa các hợp chất gọi là anthocyanins giúp cải thiện lưu thông máu và giảm huyết áp". TS Satla cho biết thêm: "Củ cải rất giàu kali, giúp cải thiện khả năng miễn dịch bên cạnh việc kiểm soát huyết áp".

* Tốt cho hệ tiêu hóa: Củ cải cung cấp một hỗn hợp chất xơ hòa tan và không hòa tan, rất tốt cho đường tiêu hóa.

Tác giả: Khánh Thu

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP