“Gà ăn mày”, cái tên nghe lạ tai, lại là món ăn nổi tiếng của vùng Hàng Châu, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Tên gọi này xuất phát từ câu chuyện thú vị phía sau. Theo người xưa kể lại, một người ăn mày nọ trong lúc “đói ăn vụng, túng làm liều” đã trộm một con gà của người dân ven đường.
Khi đang nhóm lửa sửa soạn, bất chợt gã thấy Hoàng thượng và các vị cận thần đang tới gần. Quá hoảng loạn, gã vội vàng bọc gà trong lá sen rồi đắp đất sét xung quanh, đoạn ném vào đống lửa. Chính từ sự vô tình này tạo nên món ăn dân dã mà độc đáo. Mùi hương thơm kỳ lạ bay ra khiến Hoàng Thượng rất ngạc nhiên. Sau này, món ăn còn được đưa vào thực đơn ở Hoàng cung.
Món “gà ăn mày” của ngày nay vẫn gần như giữ nguyên các bước truyền thống trước kia, tuy nhiên được chế biến cầu kỳ hơn trước, đảm bảo hương vị của món ăn từng xuất hiện ở Hoàng cung. Chẳng thế mà sau khi nghe thấy danh tiếng, khách tới Hàng Châu đều muốn thưởng thức. Người ta chọn loại gà thả vườn với thịt săn chắc để làm món ăn
Làm “gà ăn mày” kiểu Hàng Châu không cần quá cầu kỳ, nhưng phải đảm bảo đủ nguyên liệu. Để có thịt gà thơm ngon, người ta sẽ chọn giống gà thả vườn với phần thớ thịt săn chắc. Nguyên liệu chính được làm sạch sẽ ướp cùng hoa hồi, dầu đinh hương, nước tương, quế, muối, đường, hạt tiêu, một vài loại thảo mộc khác và để ngấm. Nhân nhồi bên trong bụng gà
Bọc kín gà trong đất sét
Phần nhân bên trong bụng gà cũng quan trọng không kém. Người ta sẽ nhồi thêm hỗn hợp thịt lợn, tôm nõn, nấm hương, gừng, hành củ được xào chín thơm. Sau đó, gà được khâu kín. Tiếp đó là phần bọc gà trong lá sen. Thao tác này rất quan trọng, đòi hỏi người đầu bếp phải bọc kín không hở phần nào. Cuối cùng, người ta sẽ đắp phần đất sét bên ngoài. Loại đất sử dụng cần đảm bảo độ dẻo dính, hòa quyện, không quá khô hay quá ướt. Đây là loại đất có thể lấy tại khu vực ao hồ hay đồng ruộng. Đặc biệt cần chú ý lớp đất sét bọc ngoài vừa phải, không quá dày hay mỏng. Nướng gà theo kiểu truyền thống
Khâu cuối cùng là nướng gà. Cách làm ngon nhất là nướng trên củi khô. Thời gian nướng khá lâu, có thể kéo dài tới 1-2 tiếng. Lửa ở mức vừa phải để món ăn chín dần dần. Đây cũng là bước quan trọng bởi người đầu bếp cần canh sao cho lửa không to quá. Nếu quá lửa, gà sẽ cháy sém, mất đi vị ngọt tự nhiên. Món “gà ăn mày” giữ được vị ngọt tự nhiên của thành phẩm
“Gà ăn mày” mang hương vị thơm ngon tự nhiên, ướp cùng hương của lá sen, các vị thảo mộc và phần nhân béo ngậy. Từ món ăn được chế biến tình cờ bởi người ăn mày, đến nay, nó trở thành một trong những điều hấp dẫn trong ẩm thực Hàng Châu nói riêng, và Trung Hoa nói chung, được khách du lịch ưa chuộng. Cách chế biến và nguyên phụ liệu có đôi chút khác biệt, người miền Tây có món “gà nướng đất sét”
Với người Việt, có lẽ món ăn này cũng không quá xa lạ, chẳng qua, cách chế biến có đôi chút khác biệt. Đến miền Tây, du khách được chiêu đãi món ăn tương tự. Người dân Cần Thơ còn gọi nó là “gà nướng đất sét”, còn ở Sóc Trăng, người ta có món “gà chui”. Không khác biệt nhiều về cách làm, nhưng món ăn đều giữ được vị ngọt đậm cùng hương vị tự nhiên nhất.
Tác giả bài viết: Hoàng Hà
Nguồn tin: