Kinh tế

Được gia hạn tiến độ, nhiều gói thầu cao tốc vẫn… “rùa bò”!

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa, một số gói thầu xây dựng cao tốc đường bộ Bắc – Nam đoạn qua hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An phải hoàn thành, bàn giao theo kế hoạch. Tuy nhiên, do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết và thiếu vật liệu san lấp đang khiến cho việc thi công các gói thầu bị chậm lại...

Dự án cao tốc Bắc-Nam, đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn (Thanh Hóa) có chiều dài 43,28km, có tổng mức đầu tư 5.534,4 tỷ đồng, được chia thành 3 gói thầu xây lắp. Riêng gói XL03 đoạn Km364+410,75-Km380, đơn vị thi công là Liên danh Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung và Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), đến thời điểm này mới chỉ đạt 50% khối lượng. Trên công trường đang thi công cầm chừng, máy móc thưa thớt, nhiều đoạn vắng vẻ. Đáng nói hơn là, chỉ còn 3 tháng dự án phải hoàn thành (dù tiến độ đã được lùi) nhưng nhiều đoạn đường mới bóc phong hoá, làm mặt, chưa thực hiện đắp đấp nền. Được biết, tình trạng thi công cầm chừng, rời rạc này đã diễn ra từ tháng 6/2022.

Cầu vượt đường cao tốc Bắc – Nam qua Quốc lộ 48 (xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu) vướng mặt bằng hai đầu cầu.

Trả lời báo chí, ông Hoàng Đình Luân, Chỉ huy trưởng công trường Vinaconex cho biết, đến thời điểm này, khối lượng thi công đạt khoảng 60%, nếu không giải quyết được nguồn cung đất đắp sẽ chậm tiến độ, khó hoàn thành dự án theo kế hoạch là tháng 7/2023. “Tiến độ thi công bị ảnh hưởng rất lớn vì không có đất đắp, dự án không có vật liệu làm phải ngưng đọng. Các nhà thầu đã chuẩn bị máy móc nhưng không có đất, hoặc có bao nhiêu cung cấp bấy nhiêu khi hiện nay các mỏ đã cạn kiệt, nhiều thì được 1.000m3 khối/ngày trong khi nhu cầu lên đến 10.000m3/ngày. Ban Chỉ huy công trường đã gửi văn bản kiến nghị lên Ban Quản lý dự án, Bộ Giao thông Vận tải và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thanh Hoá đề nghị được cấp mỏ đất bổ sung”, ông Luân cho hay.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Nghiệm – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung cũng cho biết: Cả khu vực Nghi Sơn hiện nay chỉ còn mỏ đất của Công ty Đức Minh đang còn giấy phép khai thác. Trong khi đó, đơn vị này đang cần 200.000m3 vật liệu san lấp để hoàn thành gói thầu. Theo đó, mỗi ngày Tập đoàn Xây dựng Miền Trung cần khoảng 5 – 7.000m3 đất san lấp, tuy nhiên mỏ chỉ đáp ứng được khoảng hơn 1.000m3, vì mỏ vừa khai thác vừa chọn lọc vật liệu, vừa cung cấp cho cả Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thi công, ông Nghiệm cho biết thêm.

Được biết, tổng khối lượng đất đắp nền đường gói thầu XL3 theo hợp đồng là hơn 1,549 triệu m3, khối lượng còn thiếu khoảng 650.000 m3. Theo kế hoạch, thời gian thi công nền đường sẽ kết thúc vào tháng 4/2023, nhưng tình trạng thiếu vật liệu sẽ khó thực hiện được.

Trả lời báo chí, một cán bộ thuộc Ban Quản lý Dự án 2 - Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đơn vị đã có ý kiến đề xuất và làm việc với tỉnh Thanh Hoá, Bộ Giao thông Vận tải về việc cấp phép cho các mỏ đất khu vực dự án, đảm bảo nguồn cung, nhưng khó khăn vẫn chưa được tháo gỡ.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, tại gói thầu xây lắp XL-14 (gói thầu giá trị lớn nhất cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45), do Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung đảm nhận, thi công cũng chưa đạt tiến độ, năng lực tài chính của nhà thầu thi công phần nền đường của gói thầu hạn chế, ảnh hưởng tới việc tập kết vật liệu thi công. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long hoàn thiện thủ tục để điều chuyển khối lượng thi công còn lại của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung cho nhà thầu chính là Vinaconex trực tiếp thi công.

Dự án cao tốc đường bộ đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có tổng chiều dài 50km, đi qua địa phận 2 tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An, tổng mức đầu tư 7.293,22 tỷ đồng. Dự án được chia làm 4 gói thầu, do Ban QLDA 6 - Bộ Giao thông Vận tải quản lý; được triển khai thực hiện từ tháng 7/2021 và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thông xe vào tháng 7/2023. Tuy nhiên, hiện việc thi công dự án đoạn qua địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An) lại đang vướng mặt bằng một số vị trí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án.

Cụ thể, tại mố cầu vượt Quốc lộ 7B (thuộc xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An) chỉ mới đắp dở dang đất K95 đợt 1. Thế nhưng, hơn 6 tháng qua, đơn vị thi công là Tập đoàn Cienco 4 và Công ty CPXD Tân Nam không thể triển khai do bị gia đình ông Nguyễn Công Tùng (ở gần cầu Diễn Đồng cản trở) với lý do việc thi công làm nứt nhà. Ngoài ra, trên toàn dự án thành phần vẫn còn 3 điểm khác chưa có mặt bằng thi công. Điển hình là đoạn cầu vượt Diễn Đoài (huyện Diễn Châu) vướng đất nhà dân ở đầu mố cầu; 2 điểm vướng công trình điện cao thế ở xã Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Lưu) và xã Đô Thành (huyện Yên Thành).

Đại diện Công ty CP Vinaconex, cho biết: Để hoàn thành các hạng mục khu vực này cần thời gian thi công khoảng 10 tháng. Với tiến độ thi công như vậy, đoạn tuyến chính dưới cầu vượt Diễn Đoài tại Km 414+350 đến Km 414+450 không kịp hoàn thành theo hợp đồng. Đơn vị này đã có văn bản gửi địa phương và các bên liên quan quyết liệt giải quyết, bàn giao mặt bằng sớm nhất có thể.

Trả lời báo chí, ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, cho biết: Trong các hộ dân ảnh hưởng đến cầu vượt Diễn Đoài, các hộ dân ở mố cầu phía Tây là của xã Diễn Đoài không đồng tình với phương án đền bù; không có vị trí để tái định cư. Huyện đã đề xuất phương án làm tường chắn, không ảnh hưởng đến đất của người dân, và vẫn có con đường nhỏ 3 - 4m trước nhà để đi lại. Thế nhưng có thể người dân sẽ phản ứng vì trước đây là đất mặt tiền QL48 thì nay bị cầu chắn trước nhà. Do vậy, huyện đã lên phương án bảo vệ thi công gửi các bên liên quan và các lực lượng chức năng. Còn đối với các hộ dân ở mố cầu phía Đông của xã Diễn Yên thì đã có nơi chuyển đến, chỉ chờ hội đồng định giá đất của tỉnh xác định giá đất.

Tác giả: Trần Thắng

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP