|
Bấy lâu nay, tình trạng thiếu hụt kỹ năng sống (KNS) của các em HS đã được báo động từ khuya…vì thế mọi người, từ phụ huynh đến nhà trường xúm vào tìm mọi biện pháp bù đắp, xây dựng, cải thiện, phát triển đủ các kiểu cho HS về kỹ năng sống.
Từ những trò vớ vẩn nhất như tập đi trên miểng chai, học đứng cân bằng trên con lăn… cho đến việc xuất bản hàng loạt những cuốn sách giáo khoa, dạy dỗ các em như các môn học lý thuyết hàn lâm khác, mà không hề nghĩ rằng khi đưa những giáo trình và bài giảng đạo đức vào thì đã làm cho KNS của trẻ chỉ có từ chết đến bị thương.
Một trong những hoạt động ưa thích của các trường là mời chuyên gia “hùng biện” về KNS về trường để tổ chức một vài chuyên đề với tiêu chí: lấy thật nhiều nước mắt của các em là được! Ngược lại, cũng có những “ chuyên gia” gây cười – dạy KNS mà giống như “tấu hài” – Các em cười ầm ỹ vì những mảng, miếng chiêu trò hay vì những câu nói gây sốc, là thành công.
“Thích thì chiều” thế là các chuyên gia “chuyên khai thác bi kịch” đã tập trung vào các đề tài như lòng hiếu thảo, sự yêu thương gia đình, cha mẹ, thầy cô, xa hơn nữa là trách nhiệm với tổ quốc, đồng bào … với mục tiêu duy nhất là biến những em cá biệt, cá tính, ngỗ nghịch, chống đối, lười biếng .. trở thành những đứa trẻ ngoan. Điều này lại rất phù hợp với xu thế “dạy KNS” theo phong trào.
Các trường cứ gom hết HS lại ngồi ở sân trường, chuyên gia thì đứng trên sân khấu và trổ tài hùng biện, khiến các em thấy mình thật nhỏ bé, thật vô dụng, thật khiếm khuyết. Các em không có lòng nhân từ, thiếu sự tôn kính, quên mất công ơn trời biển của các đấng sinh thành …và thế là các em thi nhau khóc …
Lẽ ra, việc dạy hay nói một cách đúng đắn, là việc hướng dẫn các hoạt động phát triển KNS cho HS, nên và phải là những hoạt động thực hành, thông qua những biện pháp sinh hoạt, thảo luận, làm việc nhóm với những kỹ thuật tiệm tiến, đi từng bước và khuyến khích, nhắc nhở các em áp dụng tại gia đình trong các sinh hoạt hàng ngày trong một thời gian dài.
Thế nhưng, để làm được điều này phải có một đội ngũ các giáo viên, được huấn luyện bài bản, hay các hướng dẫn viên biết tổ chức các hoạt động xây dựng nhóm (Team Building) từng bước tác động trong một thời gian dài…. Hoặc thông qua các phong trào giáo dục thanh thiếu niên. Đây là điều không phải trường nào cũng có thể áp dụng, và nhất là khi mà mục tiêu tổ chức các hoạt động giáo dục KNS trong nhà trường chỉ là để “báo cáo thành tích” chứ không hề nghĩ đến việc khởi tạo lòng tự tin, giúp trẻ nhận biết giá trị bản thân để có một cuộc sống tích cực nơi mỗi HS.
Chính vì thế, dù hoạt động giáo dục KNS đã “phổ cập” trong từng cấp học, từ mẫu giáo đến trung học phổ thông trong cả chục năm nay, thì tình trạng “bạo lực học đường” ngày càng tăng, số lượng các trẻ bị chấn thương tâm lý, hay trở nên rối nhiễu tâm lý ngày càng nhiều. Các phòng tư vấn tâm lý thường xuyên tiếp nhận các trẻ từ tiểu học đến trung học, có tình trạng lười biếng, nhút nhát, lì lợm hay cãi lại, hỗn hào thậm chí đánh lại cha mẹ, hoặc có tình trạng chán học, bỏ học, sống thu mình, có dấu hiệu trầm cảm…. Điều đó đã chứng minh cho sự bất lực hay thiếu hiệu quả của hai hoạt động cần thiết cho các em HS trong nhà trường là công tác Hướng dẫn kỹ năng sống và tư vấn tâm lý học đường.
Một điều đáng tiếc cho các em là cả hai hoạt động này đều được “quan tâm đúng quy trình” bằng việc tổ chức những hoạt động giáo dục KNS theo phong trào, và tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý học đường theo kiểu lập tổ chỉ đạo “hữu danh vô thực” để dạy dỗ HS bằng những hình thức sáo rỗng.
Xin hãy dung tha cho các em bằng việc thôi đi những màn tấu hài mạo danh những giá trị đạo đức và xin hãy tôn trọng các em, để khởi tạo cho các em những giá trị làm người của một con người tử tế khi bước chân vào đời chứ không phải hứa hẹn sẽ thành người tử tế khi đã đi đến cuối nẻo đường đời!
Tác giả: Chuyên viên tâm lý LÊ KHANH
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM