Những ngày qua, trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, số ca mắc tăng lên từng ngày, với nhiều ổ dịch mới, ca nhiễm xuất hiện trong cộng đồng…
Nguy cơ bùng phát
Tại TP Hà Nội, sau một vài ngày đưa số ca bệnh gần về 0 thì hiện số ca mắc mỗi ngày lên đến hơn 50 ca. TP hiện có 7 ổ dịch Covid-19. TP đã từ xanh (cấp độ 1) nâng lên vàng (cấp độ dịch 2, nguy cơ trung bình). Nhiều ca bệnh do sàng lọc ho, sốt trong cộng đồng và có một số ca là người về từ vùng có dịch. Đáng lưu ý là ổ dịch liên quan đến thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh) đã ghi nhận hơn 108 ca mắc; ổ dịch ở xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) có 131 ca.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết từ ngày 11-10 đến nay, số ca mắc ở Hà Nội bình quân 21 ca/ngày, trong khi thời gian thực hiện bình thường mới từ ngày 21-9 đến 10-10 là 5,7 ca/ngày. Đặc biệt, từ ngày 28-10 đến 1-11, số ca nhiễm lên bình quân từ 33-67 ca/ngày. Bà Nhị Hà nhận định dịch đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát là hiện hữu.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội trong ngày 3-11. Ảnh: NGÔ NHUNG |
Tại tỉnh Bắc Giang, trong gần 2 tuần qua đã xuất hiện các ổ dịch mới cả trong cộng đồng dân cư và tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
Tại tỉnh Bắc Ninh xuất hiện nhiều chùm ca dương tính liên quan các công nhân một công ty thuộc KCN trên địa bàn huyện Quế Võ. Còn tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận hơn 730 trường hợp mắc tại 10/13 huyện, thành, thị. Trong đó, một số ổ dịch trong cộng đồng mới phát hiện có tính chất phức tạp, khó lường.
Trong khi đó, ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... dù số ca mắc đã giảm nhưng vẫn duy trì ở mức từ 500-1.000 ca. Riêng các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp.
Trong ngày 3-11, theo cập nhật của Bộ Y tế, cả nước ghi nhận 6.192 ca mắc Covid-19 tại 58 tỉnh, thành, tăng 562 ca so với ngày 2-11.
Giám sát chặt người về từ vùng dịch
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết trong tuần qua, số ca mắc mới trong cộng đồng đã có dấu hiệu tăng trở lại, nguy cơ dịch diễn biến khó lường. Các địa phương căn cứ vào cấp độ dịch được công bố để áp dụng ngay các biện pháp tương ứng nhằm kiểm soát dịch trên địa bàn.
Trước tình hình ca mắc gia tăng trong cộng đồng ở một số tỉnh khu vực ĐBSCL như: Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Bộ Y tế cũng vừa có văn bản hỏa tốc, yêu cầu các địa phương giám sát chặt người về từ vùng dịch; xây dựng kế hoạch tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Covid-19 tại cộng đồng, kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn lưu ý thêm các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, quản lý chặt chẽ công dân khi ra - vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp để có biện pháp quản lý phù hợp.
Ngày 3-11, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ký ban hành quyết định bổ sung hướng dẫn hoạt động của các cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc địa bàn theo cấp độ dịch là cấp độ 3 và cấp độ 4. Theo đó, đối với các chợ truyền thống và chợ đầu mối, người đã được tiêm 1 mũi vắc-xin thì được đi chợ tối đa 2 lần/tuần, trường hợp chưa tiêm vắc-xin thì giao UBND cấp xã hỗ trợ, bố trí việc đi chợ hộ. Đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh, người lao động đã được tiêm 2 mũi vắc-xin thì hoạt động bình thường; trường hợp tiêm 1 mũi vắc-xin thì thực hiện theo phương án "3 tại chỗ". Cùng ngày, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. UBND tỉnh khuyến cáo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng tần suất tỉ lệ xét nghiệm sàng lọc cho người lao động để kịp thời phát hiện, bóc tách F0, F1 ra khỏi cơ sở nhằm hạn chế lây lan dịch ra diện rộng. V.Du - P.Nguyên |
Tác giả: Ngọc Dung - Huy Thanh
Nguồn tin: Báo Người lao động