Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình |
“Đề án này đang được báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính, Ban Cải cách tư pháp Trung ương và tới đây báo cáo cấp cao hơn”, ông Bình nói.
Giải thích lý do xây dựng đề án, Chánh án cho hay trong khi Toà án ở TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ không có người làm việc thì ở 160 Tòa án cấp huyện vẫn giữ nguyên biên chế 8 người nhưng không có việc. Khi thí điểm sáp nhập tòa cấp huyện có quy mô án dưới 200 vụ mỗi năm, biên chế dôi dư sẽ được chuyển cho những nơi có nhu cầu để giảm áp lực công việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao chú ý sắp xếp nhân sự sau khi các đơn vị hành chính được sắp xếp. Ví dụ, khi huyện Kỳ Sơn nhập vào TP Hòa Bình, Tòa án Kỳ Sơn sẽ phải giải thể, nhập vào Tòa án TP Hòa Bình. Nhân sự khi đó phải được xem xét lại.
Trước đó, thảo luận công tác tư pháp tại Quốc hội hồi đầu tháng 11, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (Phó Chánh án TAND TP HCM) cho biết, thời gian qua đơn vị nhận rất nhiều đơn xin nghỉ việc của thẩm phán và thư ký do quá tải trách nhiệm và áp lực công việc. Tuy nhiên, tòa chỉ cho thư ký nghỉ việc, còn thẩm phán chỉ xét với “người bệnh nặng”.
Theo bà Thuý, tại TP HCM, mỗi năm các loại án tăng trên 10.000 vụ. Mỗi tháng, một thẩm phán quận phải giải quyết hơn 10 vụ án. Trong khi đó chế độ đãi ngộ, tiền lương hiện “không đủ để trang trải cuộc sống”.
Đầu tháng 9, Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao Lê Hồng Quang thông tin, trong 10 tháng (từ 1/10/2018 đến 31/7) đã có 51 thẩm phán xin thôi việc vì áp lực quá lớn, công việc quá nhiều.
Tác giả: Văn Sơn
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam