Theo Bộ GD&ĐT, vấn đề dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế và chính đáng của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, việc giáo viên ép buộc, lôi kéo học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm nguyên tắc dạy thêm, học thêm. Thông tư số 17/2012/TT[1]BGDĐT đã quy định rõ trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, bao gồm: Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, sở GD&ĐT, UBND cấp huyện, phòng GD&ĐT; trách nhiệm của hiệu trưởng và thủ trưởng các cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; thanh tra, kiểm tra; xử lý vi phạm.
Cần có biện pháp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Ảnh minh họa: CTV |
Sau khi Luật sửa đổi Luật Đầu tư đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số Điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm (Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14) tại Thông tư số 17 không còn hiệu lực. Tuy nhiên, các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành, như quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm; các trường hợp không được dạy thêm, học thêm; trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.
Căn cứ vào quy định vẫn còn hiệu lực của Thông tư số 17, các địa phương cần tiếp tục có biện pháp quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm bảo đảm minh bạch, không tiêu cực, không sai quy định của Thông tư.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi hoạt động dạy thêm, học thêm được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17) nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.
Tác giả: H.Thanh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân