Giáo dục

Đại học Y Dược Thái Nguyên: Bị thanh tra dấu hiệu tiêu cực trong đào tạo tiến sĩ

Năm 2014, Tiền Phong từng có bài “Nghi vấn “ra giá” 200 triệu lấy bằng tiến sĩ, Phó giáo sư nói gì?”, mới đây, Thanh tra Đại học Thái Nguyên tiếp tục vào cuộc làm rõ tố cáo dấu hiệu tiêu cực trong việc đào tạo tiến sĩ tại Đại học Y dược Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên).

Trường Đại học Y dược Thái Nguyên (ĐH Thái Nguyên).

Nghiên cứu sinh được tiết lộ người phản biện kín?

Thời gian qua, một số giảng viên Đại học Y dược Thái Nguyên tố cáo nhiều dấu hiệu tiêu cực xảy ra tại trường này, trong đó có 2 nội dung chính là nghiên cứu sinh được tiết lộ danh tính người phản biện kín và việc bổ nhiệm một kế toán giữ 3 nhiệm kì.

Về những cáo buộc trên, ngày 19/7/2017, Đại học Y dược Thái Nguyên có văn bản gửi cơ quan báo chí cho biết: Đại học Thái Nguyên đã nhận được phiếu chuyển đơn của Thanh tra Bộ GD&ĐT về đơn thư tố cáo của công dân. Sau đó, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã ra Quyết định 1341 thành lập đoàn thanh tra để làm rõ nội dung tố cáo.

Theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Minh Hưng (cán bộ Đại học Y dược Thái Nguyên), trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh C. (Giám đốc một bệnh viện huyện ở Hà Giang) đã được “tiết lộ” danh tính hai người phản biện độc lập (kín) đối với luận án của mình.

Cụ thể, buổi bảo vệ luận án của ông C. diễn ra sáng 24/6 nhưng danh tính người “phản biện kín” đề tài là một PGS.TS đang công tác tại Viện Tai Mũi Họng Trung ương và một PGS.TS khác đang công tác tại Đại học Y Hà Nội đã để lộ nhiều ngày trước đó. Thông tin trên đã được ông Hưng cảnh báo, tuy nhiên thay vì hủy bỏ buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của ông C., lãnh đạo Đại học Y dược Thái Nguyên vẫn cho tiến hành với kết quả “thành công tốt đẹp”.

Theo quy định hiện hành, danh tính những người phản biện này là tài liệu mật. Hai người được biết thông tin trên là Hiệu trưởng và Trưởng phòng Đào tạo của Đại học Y dược Thái Nguyên.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Hưng cho biết thêm, ông Trịnh Văn Hùng (Trưởng phòng Đào tạo Đại học Y dược Thái Nguyên) là người hướng dẫn luận án tiến sĩ, nhưng lại được sắp xếp là người mời 2 người “phản biện kín” cho nghiên cứu sinh C.H.T.

Theo ông Hưng, trong trường hợp này Đại học Y dược Thái Nguyên không chỉ để lộ danh tính người “phản biện kín” mà còn thực hiện quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Hết nhiệm kỳ vẫn không luân chuyển

Một việc khác, Đại học Y dược Thái Nguyên còn bị tố cáo để bà Nguyễn Thị Hằng Nga giữ chức vụ Kế toán trưởng liên tục từ gần 20 năm nay. Cụ thể mặc dù bà Nga làm Kế toán trưởng từ năm 2006 đến năm 2014, nhưng hết nhiệm kỳ, bà Nga tiếp tục được “ưu ái” bổ nhiệm lại nhiệm kỳ 2014-2019 theo quyết định số 1617 do Hiệu trưởng Đại học Thái Nguyên Đặng Kim Vui ký.

Tại văn bản 543 ngày 19/7/2017 của Đại học Y dược Thái Nguyên cho rằng: Việc bổ nhiệm Kế toán trưởng Đại học Y dược Thái Nguyên đã thực hiện theo “đúng quy trình”. Ngoài ra, nhiều năm qua, bà Nga liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phòng kế hoạch tài chính liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc…

Tuy nhiên, tìm hiểu của Tiền Phong, tại Quyết định số 3188 của Đại học Thái Nguyên quy định, cán bộ quản lý đủ 2 nhiệm kỳ liên tục (10 năm) cần phải luân chuyển, miễn nhiệm. Còn theo Nghị định số 158/2007 của Thủ tướng Chính phủ: Thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là 3 năm (đủ 36 tháng) đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Tác giả: MINH ĐỨC

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP