An Giang là vùng đất của nhiều đặc sản thơm ngon như tung lò mò, cháo bò Tri Tôn, bò cạp Bảy Núi,... Bên cạnh đó, món ăn mà nhiều người dân địa phương có thể sẽ gợi ý bạn nếm thử đó là đặc sản gà đốt lá chúc Ô Thum.
Món gà đốt Ô Thum có nguồn gốc từ Campuchia và đã được du nhập vào An Giang từ lâu. Đặc sản này dần trở thành món ăn “thương hiệu” của người dân An Giang. Tới đây bạn có thể bắt gặp món ăn này ở nhiều nơi, nhưng ngon, chuẩn vị và nổi tiếng nhất vẫn là tại Hồ Ô Thum, huyện Tri Tôn.
Gà đốt lá chúc được chế biến từ thịt gà đồi vùng Bảy Núi, kết hợp loại lá gia vị đặc biệt chỉ có ở nơi đây - lá chúc. So với các món ăn làm từ thịt gà khác, món gà đốt lá chúc lại có hương vị và cách chế biến đặc biệt không nơi nào có.
|
Trước tiên món ăn này phải dùng gà đồi, trọng lượng vừa phải từ 1.3kg đến 1.8kg để chế biến. Gà được nuôi thả trong vườn hoặc trên đồi, chạy nhảy thường xuyên nên kích thước tuy nhỏ nhưng thịt rất chắc và ngọt. Đặc biệt, gà không được làm sẵn, khi có khách đặt món thì đầu bếp mới bắt đầu chế biến. Bởi vậy mà thịt gà luôn tươi ngon, ngọt nước, có mùi thơm hấp dẫn.
Ngoài các gia vị thông thường như muối, sả, ớt, tỏi thì còn có một loại gia vị đặc biệt không thể thiếu để tạo nên hương vị đặc biệt của món ăn này chính là lá chúc. Theo đó, cây chúc là một giống cây của vùng đất Bảy Núi, tỉnh An Giang. Quả chúc khá giống quả chanh nhưng có vỏ sần sùi, vị chua hơn và rất thơm. Không chỉ quả mà lá chúc cũng được người bản địa sử dụng như một thứ gia vị đặc biệt để tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn ở nơi đây.
Quả chúc và lá chúc được sử dụng như một loại gia vị tạo nên hương vị đặc trưng cho món gà đốt lá chúc này |
Sau khi sơ chế thịt gà sạch sẽ, người ta đem tẩm ướp thịt với lá chúc và các nguyên liệu khác. Trong thời gian chờ gà ngấm đều gia vị, người dân sẽ chuẩn bị bếp đốt và nồi đất. Người đầu bếp sẽ lót một lớp lá sả, lá chúc và muối ở dưới đáy nồi, sau đó đặt gà đã quét chút dầu ở mặt da lên trên.
|
Quá trình nướng sẽ quyết định xem món ăn có ngon và chuẩn vị hay không. Đầu bếp phải khéo léo canh lửa, giữ lửa thật to lúc đầu rồi giảm từ từ cho lửa nhỏ dần để đảm bảo thịt gà chín đều. Nướng gà khoảng 40 phút, thấy dậy mùi thơm nức mũi là có thể thưởng thức.
Ngay khi được phục vụ, thứ đập vào mắt thực khách chính là lớp da vàng giòn, bóng loáng của con gà, vị đậm đà và dậy mùi thơm đặc trưng của lá chúc tỏa hương ngào ngạt. Công đoạn chế biến, nướng gà khá lâu và thực khách phải chờ “dài cổ” nhưng hương vị thơm ngon của món ăn có lẽ sẽ bù đắp được công sức chờ đợi. Gà có màu vàng ruộm đẹp mắt, ăn kèm rau sống, dưa leo và chấm với muối tiêu chanh hoặc lá chúc.
|
Thịt gà nướng vừa lửa nên có độ mềm, thịt săn và không khô. Thực khách ăn đến đâu xé gà đến đấy hoặc dùng kéo chứ không chặt, tránh làm giảm chất lượng của món ăn. Gà đốt lá chúc có thể ăn kèm với cơm trắng, cơm rang hoặc xôi đều ngon.
Cũng chính bởi hương vị đặc biệt như vậy nên nhiều người phải lặn lội đến vùng xa xôi nhất của tỉnh An Giang để nếm thử món ăn này cho bằng được. Món ăn này chế biến kỳ công nhưng giá thành bình dân, tùy trọng lượng gà, khoảng từ 280.000 - 330.000 đồng/con, đủ cho 2-3 người thưởng thức.
Nguồn tin: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn