Xã hội

Cột đá chạm rồng độc nhất Việt Nam

Thân cột đá chạm đôi rồng ngậm ngọc, bờm thành búi, thân quấn chặt quanh cột, đầu vươn cao chầu mặt trời.

Nặng hơn 50 tấn, cao khoảng 5m, cột đá chạm rồng được tạc bằng đá cát từ thời Lý nằm trong quần thể chùa Dạm (xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

Cột đá chạm rồng được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ 11). Ảnh: Quang Chiến

Sử cũ chép lại, năm 1086 triều đình nhà Lý ra lệnh xây dựng chùa. Sau mười năm, chùa Dạm mới hoàn thành, được vua Lý Nhân Tông ban tên là Cảnh Long Đồng Khánh. Chùa có 100 gian nằm trên khuôn viên 8.400 m2, chia làm 4 cấp nền dài 120m bám theo triền núi Dạm. Cột đá chạm rồng nằm ở cấp nền thứ hai.

Ông Trần Văn Thật (Ban quản lý chùa Dạm) cho biết, năm 1946, thực dân Pháp về đóng bốt, nhân dân địa phương đã đốt chùa để tiêu thổ kháng chiến, nhưng cây cột đá vẫn còn nguyên chỗ cũ. Các cụ truyền rằng, hễ ai động đến cột đá, lập tức thần sét sẽ giáng đòn chí mạng. Do vậy chẳng ai dám động vào cột.

Năm 2014, đền và chùa được dựng tạm đã bị phá đi để phục vụ việc khảo cổ. Công trình chùa Dạm mới đang được xây dựng trên đỉnh núi Dạm với diện tích 197,8 ha, dự kiến năm 2022 hoàn thành.

Có nhiều giả thuyết quanh cột trụ này, chia thành hai luồng quan điểm chính. Luồng thứ nhất cho rằng đó là linga biểu tượng giao thoa văn hóa Đại Việt - Chămpa. Cột trụ mang thông điệp về sự sinh sôi nảy nở.

Tuy nhiên, hầu hết nhà nghiên cứu bác bỏ thông tin cột đá là linga. Dựa vào 6 lỗ hình chữ nhật (đặt dầm chịu lực) ở gần đỉnh cột, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng cột đá là trụ đỡ của một kiến trúc nào đó.

Các nhà nghiên cứu cho rằng 6 lỗ hình chữ nhật gần đỉnh cột dùng để đặt dầm cho trụ đỡ của một công trình kiến trúc. Ảnh: Quang Chiến

Bà Hoàng Thị Sửu (81 tuổi, thủ từ chùa Dạm) kể lại được nghe các cụ truyền miệng vào khoảng thế kỷ thứ 16 trong một trận mưa bão, cột đá bị sét đánh gãy phần đỉnh.

Hiện cột đá này cao khoảng 5m (không tính phần chôn dưới đất). Cấu trúc điêu khắc chia cột làm 2 phần: Phần dưới hình gần vuông có tiết diện một cạnh 1,4m và một cạnh 1,6m. Phần tròn phía trên có đường kính khoảng 1,3m. Đây là biểu trưng cho quan niệm trời tròn đất vuông của cha ông.

Điểm nhấn của cột chính là tác phẩm điêu khắc rồng đá theo phong cách thời Lý. Trên thân cột đá có chạm đôi rồng miệng ngậm ngọc, bờm thành búi, thân quấn chặt cột, chân có 5 móng vuốt sắc nhọn, đuôi ngoắc vào nhau, đầu vươn cao chầu mặt trời. Ngoài đôi rồng, người thợ còn dùng những chi tiết hoa văn cúc dây để trám vào chỗ trống trên thân cột cho thêm phần hài hòa, sinh động.

Bao quanh phần đế cột là hai hàng đá xây chồng lên (kích thước mỗi khối đá khoảng 30x50cm) được chạm khắc hình cánh sen bề mặt ngoài.

Thân cột đá có chạm đôi rồng uốn lượn dáng chầu mặt trời. Ảnh: Quang Chiến

Với giá trị lịch sử đặc biệt, độc bản, ngày 25/12/2017, cột đá chạm rồng được công nhận là bảo vật quốc gia.

Tác giả: Quang Chiến

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: lịch sử ,di tích

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP