Thế giới

Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc vướng 'ổ gà'

Kế hoạch xây dựng con đường tơ lụa mới của Trung Quốc đang gặp bế tắc ở Đông Nam Á khi các nước Lào và Thái Lan cự tuyệt những đòi hỏi thái quá từ nước này.

12345 3857 1466589314
Lễ động thổ tuyến đường sắt cao tốc kết nối thủ đô Vientiane, Lào, với biên giới Trung Quốc tại tỉnh Vân Nam diễn ra hồi tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Vientiane Times


Đối với thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, dự án mở rộng tuyến đường sắt cao tốc về phía nam, chạy qua Lào, Thái Lan, Malaysia rồi đến Singapore, dài 3.000 km, mang lại lợi ích rất lớn. Đó là những tuyến đường cao tốc mới tinh, một nhà ga sáng loáng và một cơn bùng nổ bất động sản mạnh mẽ, theo Reuters.

Tuy nhiên, tại Lào, chặng dừng chân của công trình đường sắt xuyên suốt Đông Nam Á này, chưa hoạt động xây dựng nào được tiến hành. Lào có lẽ đang phải xoay xở để tìm kiếm nguồn vốn đối ứng, dù chỉ là một phần nhỏ trong tổng chi phí 7 tỷ USD của dự án. Nước này cũng chưa thể thống nhất các điều khoản tài chính với Trung Quốc để phục vụ công trình.

Từ Lào, tuyến đường sắt này sẽ chạy vào Thái Lan. Tuy nhiên, đàm phán giữa Bắc Kinh với Bangkok đang gặp bế tắc một phần cũng vì các điều khoản tài chính. Sự đình trệ này càng khiến Trung Quốc thêm đau đầu và làm bật lên những vấn đề mà Bắc Kinh phải đối mặt khi xây dựng các tuyến đường cao tốc khắp châu Á nhằm phục dựng con đường tơ lụa cổ xưa theo sáng kiến "một vành đai, một con đường".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng các tuyến đường bộ, hàng không, hàng hải khắp châu Á và bên ngoài châu Á từ năm 2013 với mục tiêu trong 10 năm tới nâng tổng giá trị giao dịch thương mại với các nước liên quan lên mức 2,5 nghìn tỷ USD.

Rào cản

Trước bối cảnh tăng trưởng kinh tế trì trệ, Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp lấn sân ra những thị trường nước ngoài. Thế nhưng những tham vọng của Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt rào cản mà nghiêm trọng hơn cả là việc các nước láng giềng phản đối những đòi hỏi thái quá từ Trung Quốc cũng như các điều khoản tài chính bất lợi với họ.

Những quốc gia này đã cự tuyệt các yêu cầu của Trung Quốc về quyền phát triển bất động sản dọc theo hai bên tuyến đường sắt cao tốc. Bắc Kinh cho rằng lợi nhuận từ việc phát triển bất động sản sẽ giúp phần còn lại của dự án có tính khả thi thương mại hơn. Trong khi đó, vì lo ngại vấn đề môi trường, Myanmar đã hủy kế hoạch tham gia dự án vào năm 2014.

Về phía Trung Quốc, các mối nghi ngại của Đông Nam Á là "rào cản lớn đầu tiên trong quá trình hiện thực hóa tham vọng 'một vành đai, một con đường'", Peter Cai, học giả thuộc Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, Australia, nhận định.

Năm 2013, mọi dấu hiệu đều cho thấy phần đường sắt chạy qua Lào sẽ nhanh chóng hoàn thành. Các lãnh đạo Trung Quốc và Lào nhất trí đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Trung Quốc đề nghị cho vay hầu hết số vốn cần thiết để hoàn thành công trình. Tháng 11 năm ngoái, nhà ga cuối của tuyến đường sắt xuyên Đông Nam Á ở thành phố Côn Minh bắt đầu được xây dựng.

Nhà ga trị giá 325 triệu USD kể trên chỉ còn vài tháng nữa là hoàn tất. Song, không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu chuyển động nào ở Vientiane mặc dù một lễ khởi công hoành tráng đã diễn ra hồi tháng 12 năm ngoái. Thiếu vắng sự hỗ trợ từ Trung Quốc, Lào không có đủ nguồn vốn phục vụ dự án, các nhà ngoại giao cho biết.

Giới quan sát cũng chưa rõ vì sao Trung Quốc không thể đưa ra một điều khoản tài chính nào có thể chấp nhận được dành cho Lào.

Cả hai nước đều có lợi ích chính trị lớn trong dự án đường sắt này. Trung Quốc muốn gia tăng tầm ảnh hưởng ở Đông Nam Á, còn Lào muốn biến mình trở thành một điểm kết nối trên bộ thay vì chỉ là một nước bị kẹt giữa lục địa.

"Rất nhiều quan chức cấp cao từ cả hai nước hiện diện tại lễ ký kết. Hầu hết mọi người cho rằng dự án sẽ tốn hơn 7 tỷ USD và Lào đang xoay xở để kiếm nguồn vốn chi trả khoảng hai tỷ USD trong số đó", một nhà ngoại giao phương Tây ở Vientiane cho hay.

Quá trình xây dựng tuyến đường sắt cao tốc tại Lào hiện còn bị hoãn lại vì nước này đang "nghiên cứu một số chi tiết" và bởi sự phản đối của người dân địa phương về các vấn đề đất đai, theo Reuters.

123 2127 1466589315
Nhà ga cuối của tuyến đường sắt cao tốc xuyên Đông Nam Á ở huyện Trình Cống, thành phố Côn Minh, đang được xây dựng. Ảnh: Reuters

Không thực tế

Theo Kamalkant Agarwal, giám đốc cho vay thương mại thuộc Ngân hàng Thương mại Siam, Thái Lan, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như thế này cần phải có trợ cấp vốn.

"Bạn có thể xây dựng những dự án kiểu như vậy nếu bạn được chính phủ chi trả. Nếu không, để khiến chúng sinh lợi nhuận là một thách thức lớn", ông nhận xét.

Sau khi không tìm thấy tiếng nói chung về vấn đề cấp vốn, đầu tư và chi phí dự án, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã thẳng thắn nói với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại một cuộc họp ở tỉnh Hải Nam hồi tháng ba rằng Thái Lan sẽ tự lo liệu vốn và chỉ tiến hành xây dựng một phần của dự án. Điều đó có nghĩa tuyến đường sắt tại Thái Lan sẽ dừng lại ở một điểm cách xa biên giới Lào.

"Họ phải đầu tư nhiều hơn vì đây là tuyến đường chiến lược mang lại lợi ích cho Trung Quốc", Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith bình luận. Bangkok đã từ chối đề nghị của Trung Quốc về việc trao cho Bắc Kinh quyền phát triển bất động sản dọc tuyến đường sắt dự kiến xây dựng trên đất Thái Lan.

"Tôi đã nói rõ ngay từ đầu với Trung Quốc rằng sẽ không có chuyện trao quyền phát triển bất động sản", ông Termpittayapaisith nhấn mạnh.

Các nguồn tin từ Bộ Tài chính Thái Lan cho hay nước này đã kiếm được các nguồn vốn từ Nhật Bản với mức lãi suất thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Nhật là nhà đầu tư lớn nhất của Thái Lan nhưng cũng là nước đang cạnh tranh sức ảnh hưởng với Trung Quốc ở khắp châu Á nên Bắc Kinh chắc chắn sẽ tỏ ra thận trọng trước khả năng Thái Lan vay vốn từ Nhật, giới phân tích đánh giá.

Một số quan chức Trung Quốc cảnh báo dự án sẽ bị trì hoãn vì các nước Đông Nam Á đang vô cùng thận trọng.

Tác giả bài viết: Hồng Vân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP