Trong tỉnh

Chuyện về người cựu binh 'dệt' tình yêu lên nón

Thấy Thanh Tài, nơi mình dưỡng thương, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, thương binh Trần Văn Tuy đã về quê đưa khuôn nón Ba Đồn cùng nguyên liệu làm nón về đây truyền nghề. Tình yêu của chàng thương binh cũng nảy nở từ đó. Nhờ những chiếc nón giản dị ấy mà cuộc sống người dân Thanh Tài khấm khá dần lên…

Chuyện tình nảy nở từ chiếc nón

Từ Quốc lộ 46 men theo đường đê sông Lam khoảng 3km, chúng tôi tìm về làng nón Thanh Tài (nay là xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Nơi đây từng nổi tiếng với nghề làm nón lá. Đặc biệt, câu chuyện về tình yêu của người truyền nghề nón khiến dân làng nơi đây cảm động. Các cụ cao niên trong làng vẫn thường kể cho các con, các cháu về chuyện tình yêu đầy lãng mạn của anh thương binh đưa nón lá về Thanh Tài.

Ông Mạnh chia sẻ về những ngày dân làng học nghề làm nón.

Theo ông Trần Đình Mạnh (95 tuổi), xóm Tiên Kiều (giờ là xóm Tiên Quánh), nghề làm nón lá nơi đây được ông Trần Văn Tuy (SN 1919), quê ở Quảng Vân, huyện Quảng Trạch truyền lại. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều thương binh được chuyển từ mặt trận về Thanh Tài để dưỡng thương. Trong đó, anh thương binh Trần Văn Tuy được đơn vị phân công về nhà mẹ Đậu Thị Thiết (trú ở xóm Tài Lam) để dưỡng thương. Mẹ Thiết thời điểm đó là Đảng viên, cán bộ phụ nữ.

"Nhà bà Thiết ngay gần nhà tôi. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bà Thiết cũng như nhiều người dân trong xóm đã hết lòng chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh. Anh Tuy bị thương nặng nên bà Thiết thương lắm, bà chăm sóc anh ấy như ruột thịt của mình", cụ Mạnh chia sẻ.

Năm đó, cơm ăn không đủ no, nhưng mẹ Thiết dành tình cảm đặc biệt cho anh thương binh. Mẹ thương anh như con ruột của mình, chăm sóc xử lý vết thương cho anh cẩn thận. Khi sức khỏe dần ổn định, anh lại giúp đỡ mẹ quét dọn, bửa củi, xách nước,… Nhà mẹ Thiết có cô con gái tên là Trần Thị Năm. Con gái của mẹ Thiết đẹp người đẹp nết, chăm chỉ công việc đồng áng nên có nhiều chàng trai trong làng để ý.

Cựu binh Trần Văn Tuy - người mang nghề nón lá về làng Thanh Tài.

Thanh Tài những năm ấy là làng quê còn đói nghèo. Ngoài công việc đồng áng, không có công việc phụ khi nông nhàn nên cuộc sống người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có những thanh niên làng phải bỏ quê đi làm thuê khắp nơi. Nhà mẹ Thiết cũng vậy, giàu tình cảm nhưng gia đình mẹ nghèo vật chất.

Thời điểm đó, khi sức khỏe dần ổn định, anh Tuy đã xin phép đơn vị về thăm nhà mấy hôm. Khi trở lại nhà mẹ Thiết, anh thương binh mang theo khuôn nón Ba Đồn cùng nhiều nguyên liệu để làm nón. Những lúc rảnh rỗi, anh Tuy hướng dẫn cho mẹ Thiết và chị Năm làm nón. Nhờ khéo tay, chịu khó, chị Năm tiếp thu khá nhanh, tự đan những chiếc nón chất lượng, xinh xắn. Tình yêu của họ cũng nảy nở từ đó. Những chiếc nón "phiên bản" Ba Đồn được gia đình mẹ Thiết đưa đi chợ Dùng và các chợ lân cận để bán. Không lâu sau đó, khi sức khỏe ổn định, anh Tuy từ biệt gia đình mẹ Thiết để lên đường chiến đấu. Chia tay bịn rịn, anh Tuy và chị Năm hứa hẹn sẽ xây dựng gia đình khi anh chiến đấu trở về.

Dân làng biết ơn người truyền nghề

Những lúc nhớ người thương, chị Năm lại gửi tình yêu của mình vào những chiếc nón. Không những thế, chị Năm còn vui vẻ truyền nghề cho bà con trong vùng. Nhiều người dân trong làng tranh thủ thời gian rảnh rỗi sang nhà mẹ Thiết để học làm nghề nón. Kể từ đó, làng được gọi tên là làng nón Thanh Tài. Nhờ nghề nón mà chàng lính Trần Văn Tuy truyền lại, cuộc sống người dân nơi đây dần khấm khá hơn, nhiều gia đình nuôi con ăn học khôn lớn, nón đổi gạo, đổi quần áo,….

Ông Sinh cảm thấy tiếc nuối khi làng nghề của cha mình truyền lại mai một dần.

Đúng như lời hẹn, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Tuy trở về nhà mẹ Thiết. Anh thương binh rất vui và tự hào vì Thanh Tài đã trở thành làng nghề nón giống ở Ba Đồn quê mình. Dưới sự chúc phúc của dân làng, anh Tuy kết hôn với chị Năm và sống ở quê vợ.

"Nhờ ông Tuy mà làng mới có nghề nón Thanh Tài, mọi người biết ơn ông ấy lắm. Những đêm rảnh rỗi, người dân lại mang khung nón tập trung ở nhà mẹ Thiết để đan nón. Có nhiều chàng trai, cô gái yêu nhau và kết hôn từ những đêm trò chuyện đó. Nhờ có ông Tuy mà gia đình tôi khá giả hơn. Vừa làm nón, vừa buôn nón, tôi đi nhập ở chợ Dùng và nhiều chợ ở các huyện lân cận khác. Nhờ nghề nón, tôi nuôi được 4 đứa con ăn học nên người", ông Mạnh cho biết thêm.

Theo ông Mạnh, để làm được một chiếc nón đòi hỏi phải thực hiện rất nhiều công đoạn cầu kỳ, từ vê lá, là lá, nén lá cho phẳng rồi làm vành xong quay nón, may nón, may xong dỡ nón ra khỏi khuôn đến cắt cước, nức nón, luồn nhôi, may chóp. Mỗi chiếc nón được lợp 2 lần lá, giữa hai lần được lót thêm một lớp lá măng cho nón thêm dày và cứng cáp, tránh mưa ướt. Mặt trong của nón được người thợ khéo léo luồn những sợi chỉ màu để buộc quai nón. Khi nón được bán ra, người làm nón sẽ quết một lớp dầu để có một chiếc nón lá trắng ngà vừa bền, đẹp mà không thấm nước.

Bà Lê Thị Bính đã theo nghề làm nón Thanh Tài được 50 năm. Người phụ nữ này cũng như người dân trong vùng thầm cảm ơn ông Tuy đã truyền nghề để gia đình thoát nghèo và nuôi các con khôn lớn.

Bà Bính chia sẻ bí quyết làm nón.

"Năm 1976, tôi về làm dâu nơi đây. Những ngày đầu, tôi theo các chị ở trong làng đi làm nón. Thời đó, cả làng làm nón. Họ tập trung đến một nhà nào đó vừa nói chuyện, vừa làm nón, vui lắm. Một chiếc nón bán được 7 hào. Nhờ nghề nón của ông Tuy truyền lại mà tôi nuôi được các con ăn học. Giờ thế hệ sau không còn đam mê với nghề nữa, bởi nam thanh nữ tú đều muốn thoát ly. Chỉ có những người già như chúng tôi tranh thủ những lúc nông nhàn thì làm nón bán", bà Bính tâm sự.

Mỗi ngày, tranh thủ thời gian rảnh, bà Bính lại đưa nón ra đan. Mỗi chiếc nón bà bán với giá 60.000đồng/chiếc. Vì bà Bính đan nón đẹp có tiếng nên làm được cái nào, khách hàng đến lấy cái đó.

Theo người dân nơi đây, những năm 80 của thế kỷ XX, nghề làm nón ở đây phát triển mạnh, nhà nhà làm nghề, đi đâu cũng thấy cảnh làm nón. Tuy nhiên, những năm gần đây, cả xã Đồng Văn chỉ có vài hộ theo nghề, chủ yếu là người trung niên và người già. Thời gian qua, mặc dù địa phương đã có những hoạt động khuyến khích làm nghề nhưng dường như không níu giữ được nghề làm nón ở Thanh Tài.

Ông Trần Văn Sinh (SN 1952), con trai của ông Tuy, cho biết, năm 1963, theo chủ trương khai hoang, phát triển vùng kinh tế mới của huyện, bố ông làm Tổ trưởng Tổ nông trang, cùng gia đình và nhiều hộ bà con sang xã Thanh Thịnh - hữu ngạn sông Lam - để khai hoang, định cư, phát triển.

"Bố tôi đã mất năm 1997, mẹ mất năm 2017. Ông bà mất nhưng làng Thanh Tài vẫn duy trì nghề nón. Tôi thấy tiếc nuối vì làng nghề bố mẹ tôi gây dựng ngày càng mai một. Trước đây, anh em tôi lớn lên và thành đạt là nhờ nghề nón này của bố mẹ", ông Sinh tâm sự.

Theo ông Nguyễn Quốc Chương, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, nghề nón ở Thanh Tài xuất hiện từ lâu đời. Trước đây, nghề nón ở làng Thanh Tài phát triển, đa số người dân đây đều làm nghề này. Tuy nhiên, hiện nay số hộ làm nón không còn nhiều, chủ yếu là người già. Thị trường tiêu thụ gặp khó, thu nhập thấp là nguyên nhân chính khiến số lượng người dân bám nghề ngày một ít đi. Hiện nay, người trẻ họ chuyển ngành nghề khác với mức thu nhập cao và ổn định hơn.

Tác giả: Hà Hằng - Hiền Trang

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP