Thế giới

Câu chuyện sau những ảnh ấn tượng năm 2016

Từ chiến sự Syria tới đâm xe khủng bố ở Nice, Pháp, các nhà báo đã đi khắp thế giới để ghi lại những tin tức nổi bật nhất trong năm.

Đối đầu cảnh sát

Cô gái đứng trước hàng rào cảnh sát chống bạo động được coi là biểu tượng cho phong trào đấu tranh vì quyền lợi người da màu ở Mỹ. Ảnh: Reuters

“Một phụ nữ đứng yên, điềm tĩnh, tà váy dài phất phơ trong gió, trong khi hai sĩ quan cảnh sát chống bạo động đang di chuyển”, Jonathan Bachman, phóng viên Reuters nhớ lại.

“Khi đó tôi được phân công đưa tin về biểu tình tại Baton Rouge (thủ phủ bang Louisana, Mỹ) sau vụ cảnh sát bắn chết Alton Sterling. Tôi đang quay lưng lại với Ieshia Evans, chụp cảnh sát và những người biểu tình đối mặt nhau”.

“Có tiếng người nói sau lưng ‘chớ đứng đó, họ đang bắt người trên phố’”, Bachman kể lại. “Tôi quay lại, nhìn sang phải và thấy một cô gái đang đứng giữa đường. Tôi biết ngay chuyện gì sẽ tới. Cảnh sát sắp bắt cô ấy. Tôi vội chụp ảnh”.

“Khi quay lại xe hơi, xem ảnh trong máy, tôi biết rằng mình vừa chụp được một bức ảnh có sức nặng. Tuy nhiên, tôi không ngờ rằng hình ảnh có sức lan truyền như thế. Tôi vui vì nó đã khuyến khích thảo luận về vấn đề quan trọng này tại Mỹ”.

Xé rách khăn trùm

Sau khi liên quân do Mỹ dẫn đầu giải phóng ngôi làng của Souad Hamidi ở miền bắc Syria, khỏi tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), cô gái 19 tuổi vui sướng xé toang khăn trùm đầu niqab bị ép phải đeo từ năm 2014 Ảnh: Reuters


“Tôi cảm thấy mình đã tự do”, Hamidi nói sau khi đổi chiếc khăn trùm màu đen sang khăn quấn đầu màu đỏ. “Chúng ép chúng tôi đeo nó vì thế tôi đã xé đi để hả giận”.

Rodi Said, nhiếp ảnh gia chụp ảnh Hamidi, đang trên đường tới những ngôi làng được lực lượng dân chủ Syria (SDF) giải phóng và tình cờ gặp cô gái 19 tuổi mới quay về làng.

Làng Am Adasa bị IS chiếm đóng từ năm 2014, cũng như nhiều làng quê khác ở Syria và Iraq. IS đặt nhiều quy định khắt khe với dân thường tại đây, trong đó có quy định về trang phục.

Chúng sẽ xử phạt những người không làm theo luật, đôi khi bắt họ đi đào mộ nhiều ngày. Kể từ khi SDF chiếm lại, cuộc sống của chúng tôi đã sang trang mớiHamidi nói
Ngồi trong nhà, Hamidi cho biết vẫn sợ có ngày IS quay lại.

“Tôi muốn xóa sạch chúng khỏi trí nhớ”, cô nói. “Tôi ước mọi nơi bị IS kiểm soát được giải phóng, người dân được tự do, sống như chúng tôi bây giờ”.

“Đối với tôi, hình ảnh thể hiện tính cách mạnh mẽ của Hamidi, là cách cô tuyên bố tự do, thoát khỏi nỗi ám ảnh trong quá khứ. Đó là thời điểm một người vượt qua nỗi sợ bị đàn áp tôn giáo”, Rodi kết luận.

Xiềng xích

Cô bé 15 tháng tuổi ở Ấn Độ bị mẹ lấy dây nilon buộc chân vào một tảng đá trong công trường xây dựng. Ảnh: Reuters


“Tôi lang thang ở Ahmedabad (thành phố lớn nhất bang Gujarat, Ấn Độ) chụp ảnh đời thường và phát hiện công nhân đang kéo cáp nặng, nghĩ rằng sẽ ghi lại được vài khung hình đẹp nhưng ánh sáng không đủ nên tôi ngồi đợi”, nhiếp ảnh gia Amit Dave nhớ lại.

Đám trẻ con, con của những công nhân kia đang chơi ngoài đường. Chỉ có một bé ngồi yên một mình khiến Dave băn khoăn muốn biết lý do. Shivani, 15 tháng tuổi, đang cố thoát khỏi sợi dây nilon in chữ “chú ý” quấn trên chân, buộc vào một tảng đá cạnh công trường.

Chân trần, cả người đầy bụi, cô bé ở ngoài trời 9 tiếng trong lúc nhiệt độ có khi tới 40 độ C . Sarta Kalara, mẹ của Shivani, cho biết không có lựa chọn nào khác ngoài cách buộc con vào đá, mặc cho con khóc vì cô và chồng phải kiếm sống nhờ việc đào lỗ chôn dây cáp trong thành phố, tiền công 3,8 USD một lỗ.

Tôi buộc chân con để nó không bò được ra đường. Thằng lớn mới ba tuổi rưỡi, chưa trông được em. Công trường đầy xe qua lại, tôi không còn lựa chọn nào khác. Tôi làm thế để giữ con an toànKalara nói
Con em công nhân ở Ấn Độ thường ở với bố mẹ cho tới 7–8 tuổi, rồi được gửi về quê với ông bà. Kalara nói rằng quản lý công trường làm ngơ cho cô mang con đi theo.

“Họ không quan tâm đến chúng tôi hay bọn trẻ, họ chỉ quan tâm có làm tốt việc không”, Kalara cho biết.

Gặp Trump

Biểu cảm kỳ lạ của một người ủng hộ Donald Trump khi được gặp ông Ảnh: Reuters


“Số ít cho rằng cô ấy như thể đang gặp ngôi sao nhạc rock còn số đông cho rằng cô ấy đang sợ hãi điều gì đó”, nhiếp ảnh gia Brian Snyder nói.

Thực tế, Robin Roy là một người ủng hộ nhiệt thành cho tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Cô mặc áo phông in chữ : “Omaba, ông bị đuổi việc. Hãy bỏ phiếu chọn Trump làm tổng thống trong cuộc bầu cử 2016”, chờ được gặp riêng Trump tại buổi vận động tranh cử. Cô đã vô cùng sung sướng khi được ông bắt tay và tán chuyện.

“Phóng viên ảnh bị hạn chế ra vào trong các buổi vận động tranh cử của Donald Trump. Hầu hết chỉ chụp được ảnh từ khán đài chính hoặc sau hậu trường với ống kính cỡ 400 mm”, Snyder nhớ lại.

“Sau khi Trump phát biểu, một nhóm nhỏ phóng viên ảnh được phép tới sân khấu ghi hình ông đi dọc rào chắn. Tôi chụp ảnh này với ống kính ngắn (50mm) từ trên sân khấu, nhìn qua vai Trump”.

Cái xác cô đơn ở Syria

Thi thể cậu bé 11 tuổi nằm còng queo trên bàn, băng đầu đầy máu sau vụ không khích xuống Douma, Đông Ghouta thuộc Damascus, thủ đô Syria Ảnh: Reuters


“Cậu bé trông thật cô đơn, nằm một mình trên bàn, quần áo đầy máu. Đó là Mahmoud Baraka, 11 tuổi, thiệt mạng trong trận không kích xuống Douma, khu vực thuộc Đông Ghouta do quân nổi dậy kiểm soát mà quân chính phủ Syria đang cố tái chiếm. Mẹ và anh em trai của cậu bé cũng bị thương trong trận không kích. Bố và hai chú chết trong các vụ tấn công năm ngoái”, nhiếp ảnh gia Bassam Khabieh cho biết.

“Hôm đó, thành phố hứng chịu nhiều đợt không kích. Tôi đang đi tới các mục tiêu không kích thì một đợt tấn công mới bắt đầu. Tôi náu trong một tòa nhà chờ vụ không kích qua đi. Sau đó, tôi tới chỗ dân phòng đưa nạn nhân đi chôn cất”.

“Baraka được đưa tới đó. Họ đang chờ người thân tới nhận để lấy vải bọc, chuẩn bị liệm thi thể em. Một người cố làm chân cậu bé duỗi thẳng ra nhưng nó đã cứng queo lại”, Khabieh nói.

“Một người hàng xóm đi tìm ông nội Baraka, người đang đi làm ở ngoại ô thành phố, để ông nhận xác cháu. Tôi cũng ngồi đợi nhưng đội dân phòng quyết định chuyển thi thể về nhà trước khi ông nội tới”.

“Tôi đi cùng họ. Người ông về nhà, không tin nổi đứa cháu nội cuối cùng của người con trai quá cố cũng đã chết. Ông khóc thảm thiết. Bà nội Baraka và họ hàng cũng khóc. Họ gào lên: ‘Tại sao cháu lại bỏ đi hả Mahmoud, tại sao chứ?’. Bầu không khí đầy tang thương”.

Thi thể Mahmoud được đưa tới nhà thờ Hồi giáo địa phương, nơi người dân cầu nguyện cho cậu bé. Những đứa trẻ hàng xóm vây quanh di hài, nhìn Mahmoud lần cuối trước khi thi thể được chuyển tới nghĩa trang chôn cất.

Nghi phạm ma túy Philippines

Một cô gái Philippines ôm người yêu khóc . Anh này bị một kẻ đi môtô không rõ danh tính bắn chết. Ảnh: Reuters


Phóng viên ảnh Czar Dancel nhớ lại có 6 người bị ám sát đêm đó tại Manila, trong đó có Michael Siaron, người yêu của Olayres, 29 tuổi. Anh bị một kẻ không rõ danh tính đi xe mô tô bắn chết.

“Tôi đã theo sát các vụ truy quét những người bị tình nghi là tội phạm ma túy nhiều tháng nay ở Philippines. Nhà báo và phóng viên ảnh của nhiều tổ chức cùng sát cánh bên nhau đêm đó”, Dancel nói.

“Siaron là người thứ 7, cũng là người cuối cùng bị bắn chết hôm đó. Mỗi khi tiếp cận hiện trường, tôi luôn thấy sốc. Tôi chụp vài kiểu trước khi nhận thấy Olayres đang ôm thi thể của Siaron vào lòng, khóc nức nở”.

Olayres cho biết “một người bạn báo tin Michael bị bắn”. Cô vội chạy tới. Olayres thừa nhận Siaron dùng ma túy nhưng phủ nhận anh buôn bán ma túy vì họ rất nghèo, ăn bữa nay lo bữa mai.

“Họ phải giết kẻ không đáng sống, kẻ là mối đe dọa với xã hội vì gây hại cho người khác chứ không phải là người vô tội”, Olayres nói. “Tôi không cần người khác thương hại, cũng không cần tổng thống biết về chúng tôi. Tôi hiểu ông ấy không thích những người nghiện ngập. Có điều, tôi hy vọng họ xử đúng người đúng tội”.

Khi được hỏi cô muốn nhắn nhủ gì tổng thống, Olayres nói

Hãy diệt trừ ma túy chứ không phải con người

Đâm xe tải ở Pháp

Bức ảnh búp bê nằm cạnh một xác chết trở thành biểu tượng cuộc tấn công khủng bố bằng xe tải ở Nice. Ảnh: Reuters


“Khi đó tôi đang ở nhà, nghỉ ngơi sau nhiều tuần vất vả đưa tin về giải vô địch bóng đá châu Âu 2016. Một đồng nghiệp gọi điện từ Paris, nói rằng một chiếc xe tải lao vào đám đông ở trung tâm Nice. Tôi nghĩ rằng đó là tai nạn giao thông bình thường, không phải loại tin tức chúng tôi hay đưa”.

“Đột nhiên, tôi nhận được thông báo trên điện thoại. Chính quyền nói rằng đã xảy ra một vụ tấn công. Tôi không kịp nghĩ ngợi, vội lấy máy ảnh nhảy lên xe máy lao ra đường”, Eric Gaillard nhớ lại.

“Tôi không đi xe vào hiện trường được, đành dừng xe. Tôi phát hiện một thi thể nằm ven đường. Nhìn lại gương chiếu hậu, tôi thấy loạt thi thể rải rác phía sau. Có khoảng một tá người chết, một số được phủ khăn trải bàn lấy từ các nhà hàng gần đó. Cảnh sát và binh lính có vũ trang vây kín hiện trường hỗn loạn”.

“Điều kiện lúc đó rất khó khăn, trời đã tối, cảnh sát cố gắng ngăn cản chúng tôi tác nghiệp. Một số người còn muốn đánh tôi, có người ném đá vào tôi. Tình hình rất hỗn loạn”, Gaillard nói.

Bức ảnh con búp bê mà ông chụp được chia sẻ rộng rãi trên mạng, và thường đi kèm với chú thích nói rằng con búp bê nằm cạnh thi thể một trẻ em được bao phủ trong một chiếc chăn khẩn cấp. Nhưng trong thực tế, không ai biết chắc về độ tuổi của nạn nhân.

“Với kích thước đó, tôi không nghĩ rằng thi thể là một đứa trẻ. Tôi không biết tại sao con búp bê lại ở đó”, Gaillard nói. “Liệu đó có phải là thi thể một người cha hay người mẹ đi cùng với con mình, nên có con búp bê ở đó không? Hay có ai đã đặt con búp bê ở đó vì một lý do nào đó? Mọi người liên tục hỏi tôi những câu như vậy”.

“Khi bạn đến một vùng chiến, bạn biết đó là môi trường thù địch, bạn biết rằng sẽ phải nhìn thấy những cảnh đau thương. Nhưng tôi bị sốc bởi những gì tôi thấy đêm đó, bởi đó là thành phố của tôi, Nice, cách nhà tôi 500 m, vào một dịp lễ”.

Tác giả bài viết: Hồng Hạnh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP