Trong nước

Cao tốc Bắc - Nam không được chậm do chủ quan

Ngày 27/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng, đốc thúc tiến độ hàng loạt công trình trọng điểm ngành GTVT.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp sáng 27/6

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cần thiết để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của 10 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 trong tháng 7/2018, còn lại dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ phê duyệt trong tháng 9/2018.

Dự án bị chậm, giám đốc ban QLDA phải chịu trách nhiệm

Tại cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm sáng 27/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, công tác phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi một số dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 phát sinh một số vấn đề không lường được trước. Tuy nhiên, đến nay, cơ bản vẫn đảm bảo tiến độ phê duyệt 10 dự án trong tháng 7/2018, còn lại một dự án (cầu Mỹ Thuận 2) sẽ phê duyệt trong tháng 9/2018.

“Bộ GTVT chỉ chấp nhận dự án bị chậm do gặp những vấn đề khách quan, còn không cho phép chậm do nguyên nhân chủ quan”, Bộ trưởng nói.

Về cách làm để đảm bảo tiến độ đề ra, Bộ trưởng yêu cầu các ban QLDA phối hợp chặt chẽ với Vụ Môi trường khẩn trương phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho từng dự án, khung chính sách của dự án nào chưa trình phải làm nhanh chóng, không được chậm trễ.

“Dự án của ban nào chậm, giám đốc ban đó phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và yêu cầu, đối với hệ thống giao thông thông minh (ITS) và thu phí tự động không dừng của các dự án cao tốc Bắc - Nam, Vụ Khoa học công nghệ, Vụ PPP và các đơn vị liên quan cần sớm đưa ra các khung tiêu chuẩn bắt buộc về kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là tính kết nối của hệ thống thiết bị.

“Thuê đơn vị nào làm hệ thống thu phí tự động, ITS là quyền của nhà đầu tư, nhưng trên nguyên tắc đảm bảo đúng các yêu cầu về khung tiêu chuẩn đề ra. Việc của cơ quan quản lý nhà nước là giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện của nhà đầu tư”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành GTVT cũng giao một số nhiệm vụ cần làm ngay cho các cơ quan, đơn vị liên quan khi các dự án được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi như: Công tác cắm mốc GPMB, lựa chọn nhà thầu thiết kế, công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế giải ngân nguồn vốn Nhà nước trong các dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện đầu tư bằng PPP,… “Công tác thiết kế kỹ thuật và dự toán làm khẩn trương, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ, kỹ lưỡng vì đây là giai đoạn chuẩn xác hóa các số liệu của dự án. Do vậy, các đơn vị phải lựa chọn tư vấn thiết kế có nhiều kinh nghiệm, năng lực và kiên quyết loại bỏ những tư vấn không đảm bảo yêu cầu tham gia vào dự án”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Thông xe cao tốc Tam Kỳ - Quảng Ngãi nhưng chưa thu phí

Liên quan đến tình hình triển khai dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi, ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, hiện khối lượng thi công dự án còn khoảng 52.000 tấn bê tông nhựa. Trung bình mỗi ngày các nhà thầu thi công được 7.000 - 8.000 tấn, dự kiến ngày 8/7, dự án sẽ xong phần thảm bê tông nhựa.

“Đến ngày 12/7, toàn bộ tuyến chính và các hạng mục phụ trợ của dự án sẽ xong. Cuối tháng 7/2018, dự án có thể thông xe toàn tuyến và thu phí được”, ông Tám nói.

Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT đánh giá, dự án sẽ kết thúc công tác thảm bê tông nhựa toàn bộ trên tuyến chính trong khoảng ngày 10-15/7, còn các nút giao vẫn tiếp tục thực hiện, đồng thời các nội dung liên quan đến hạng mục thoát nước, hệ thống an toàn cũng được triển khai song hành. “Trên tuyến hiện còn 60km hộ lan đang hoàn thiện nên để đóng được tuyến và chạy trên mặt đường tuyến chính phải từ ngày 20-25/7. Hơn nữa, trên tuyến cao tốc Tam Kỳ - Quảng Ngãi có 3 nút giao, trong đó VEC đang phấn đấu cuối tháng 7, đầu tháng 8 hoàn thành 2 nút, còn lại nút giao Dung Quất do phải xử lý nền đất yếu, chờ dỡ tải nên đến 30/9 mới thi công xong”, ông Thành thông tin.

Chỉ đạo về dự án này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Dứt khoát đến ngày 30/7 phải thông xe toàn tuyến chính. “Thông xe để nhân dân sử dụng”, Bộ trưởng nói và yêu cầu, những hạng mục còn lại liên quan đến tuyến chính của dự án như: Nút giao, đường gom, VEC phải làm việc và thống nhất với địa phương để đưa ra lộ trình rõ ràng cho từng hạng mục, đồng thời xác định trách nhiệm của mỗi bên.

“VEC phải hoàn thành hết các hạng mục này mới được tổ chức thu phí, phải làm khẩn trương, càng sớm càng tốt. Cuối tháng 7 thông xe kỹ thuật, hệ thống hàng rào hộ lan trên tuyến chính phải xong, còn thời gian hoàn thành, nghiệm thu sẽ ấn định trong tháng 9/2018”, Bộ trưởng nói và yêu cầu VEC làm việc với từng địa phương để thống nhất kế hoạch, thời gian, trách nhiệm của các bên trong việc hoàn trả các tuyến đường phục vụ thi công dự án.

Hoàn thành 9 công trình, triển khai thi công 12 dự án mới

Theo báo cáo của Bộ GTVT về công tác đầu tư hạ tầng, trong 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Bộ GTVT đã trực tiếp kiểm tra, tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng như: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 2), đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận,... kịp thời hoàn thành đưa vào khai thác 9 dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 12 dự án mới.

Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và đang tiến hành thẩm định hồ sơ của 3 dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây); đồng thời, tiếp tục tập trung hoàn thành báo cáo FS của các dự án còn lại theo đúng kế hoạch. Bộ GTVT đã ký hợp đồng tư vấn lập FS tổng thể dự án Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến giao Bộ GTVT chủ trì phê duyệt điều chỉnh quy hoạch CHKQT Tân Sơn Nhất theo thẩm quyền. Hiện nay, Bộ GTVT đang tập trung hoàn thiện quy hoạch, khẩn trương chuẩn bị các thủ tục để chuẩn bị đầu tư ngay sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Ngoài ra, Bộ GTVT đã thẩm định báo cáo đầu kỳ dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng...

Trình quyết toán 15 dự án giao thông

Về kết quả giải ngân, trong 6 tháng đầu năm, Bộ GTVT giải ngân được hơn 14.811 tỷ đồng, đạt 43,67% kế hoạch năm 2018. Cụ thể, nguồn vốn NSNN giải ngân 9.361 tỷ đồng, đạt 50,21% kế hoạch năm 2018; vốn TPCP giải ngân hơn 492 tỷ đồng, đạt 19,04% kế hoạch năm 2018; vốn kéo dài kế hoạch 2017 giải ngân hơn 272 tỷ đồng, đạt 10,15% kế hoạch năm 2018 và vốn ngoài ngân sách giải ngân 4.685 tỷ đồng, đạt 46,85% kế hoạch năm 2018.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ GTVT tiếp tục chú trọng, đẩy mạnh quyết toán các dự án hoàn thành. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn NSNN và dự án BOT, từ đầu năm 2018 đến nay, đã lập, trình quyết toán 15 dự án với giá trị 20.146 tỷ đồng (trong đó có 12 dự án NSNN: 15.888 tỷ đồng và 3 dự án BOT: 4.258 tỷ đồng); hoàn thành thẩm tra, phê duyệt và thỏa thuận quyết toán 36 dự án với giá trị duyệt 22.355 tỷ đồng (trong đó có 33 dự án NSNN: 20.188 tỷ đồng và 3 dự án BOT: 2.167 tỷ đồng).

Sản lượng vận tải tăng, TNGT giảm cả 3 tiêu chí

Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng vận tải ước đạt 659,95 triệu tấn hàng hóa, tăng 9,7%; đạt 1.874,5 triệu lượt hành khách, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 122,6 triệu tấn.km, luân chuyển hành khách ước đạt 82,7 triệu HK.km; tăng 6,4% về luân chuyển hàng hóa và tăng 11,2% về luân chuyển hành khách so với cùng kỳ năm 2017.

Về công tác đảm bảo ATGT, trong 6 tháng đầu năm (từ ngày 16/12/2017 - 15/6/2018), cả nước xảy ra 8.999 vụ TNGT, làm chết 4.103 người, làm bị thương 7.027 người; so với cùng kỳ năm 2017 giảm 594 vụ (giảm 6,19%), giảm 31 người chết (giảm 0,75%), giảm 908 người bị thương (giảm 11,44%).

Đình Quang

Tác giả: Đình Quang

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP