Hướng tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An. Ảnh Thu Huyền |
Ngày 22/11/2017, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020; Bao gồm các đoạn: Cao Bồ (Nam Định) – Nghi Sơn – Diễn Châu - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên Huế) và Nha Trang (Khánh Hòa) – Dầu Giây (Đồng Nai) có tổng chiều dài 654 km với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng (vốn nhà nước 55.000 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 63.716 tỷ đồng).
Theo thiết kế, tuyến đường cao tốc rộng 32,25 m, với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h. Trong đó, giai đoạn 1, đường rộng 17 m, 4 làn xe, tốc độ 80 km/h.
Theo đó, đoạn qua Nghệ An gồm các huyện thị: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên.
Để đẩy nhanh tiến trình triển khai dự án, trên cơ sở đã thống nhất giữa UBND tỉnh Nghệ An và Bộ GTVT, Ban QLDA 6 và đơn vị tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế đang rà soát, xác định các công trình dân sinh, các công trình phục vụ dự án (nguồn mỏ, vật liệu, đường công vụ ngang... ) để thống nhất về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Trên thực địa kết hợp bình đồ thống nhất với đại diện các địa phương, Ban quản lý dự án 6 xác định phạm vi, vị trí, quy mô xây dựng các công trình phục vụ dân sinh tại khu vực dự án đi qua, gây chia cắt, ảnh hưởng cộng đồng (đường gom, cống chui...; Các công trình an sinh xã hội như mương thủy lợi, khu mộ... bị ảnh hưởng. Xác định danh sách, vị trí các mỏ vật liệu, phạm vi sử dụng các công trình làm đường phục vụ dự án và quy mô xây dựng, hoàn trả...
Do tuyến cao tốc được thiết kế tránh từ xa các khu đông dân cư nên khối lượng tái định cư có thể không nhiều. Đoạn cao tốc từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Diễn Châu (Nghệ An) dài khoảng 50 km chỉ phải GPMB khoảng 350 nhà dân cùng 300 nhà khác bị ảnh hưởng (do phải tính thêm 50 mét mỗi bên ngoài phạm vi GPMB). Do đó các địa phương cần tổ chức đồng thời công tác bồi thường, GPMB và xây dựng các khu tái định cư.
Lãnh đạo Bộ GTVT kiểm tra hướng tuyến cao tốc đoạn qua Diễn Châu. Ảnh TH |
Là dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp và đi qua nhiều tỉnh, thành có đông dân cư, do đó, trình tự, thủ tục triển khai yêu cầu chặt chẽ, đúng quy định. Theo tính toán của Bộ GTVT, để các đoạn này cơ bản hoàn thành vào năm 2021 theo Nghị quyết số 52 của Quốc hội thì phải khởi công thi công dự án vào cuối năm 2019.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: “Trong lúc nguồn lực nhà nước chưa thật dồi dào nhưng vẫn dành nguồn vốn không nhỏ cho đầu tư hệ thống cao tốc, nếu chúng ta làm không đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, sử dụng nguồn vốn không hiệu quả là có tội với nhân dân với Đảng, Nhà nước”.
Với quyết tâm rất cao của mình, Bộ GTVT chỉ đạo ngay từ đầu năm 2018, khi đơn vị tư vấn (TEDI) khẩn trương hoàn thành công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi thì các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, di dời, tái định cư cũng đòi hỏi các địa phương cần phải triển khai ngay. Đây là công việc rất quan trọng và vô cùng khó khăn, đòi hỏi nỗ lực đặc biệt từ phía các địa phương có tuyến đường đi qua.
Tuyến đường huyết mạch này sớm đi vào hoạt động, góp phần giảm tải cho QL1A và đáp ứng như cầu vận tải ngày càng tăng trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phưong và cả nước bạn Lào.
Tác giả: Thu Huyền
Nguồn tin: Báo Nghệ An