Chia sẻ về tiện ích của Trục liên thông văn bản quốc gia được Thủ tướng ấn nút khai trương mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, đây là nơi gửi - nhận văn bản của các cơ quan nhà nước - khởi điểm của Chính phủ điện tử.
XEM CLIP:
Thưa Bộ trưởng, Trục liên thông thông văn bản quốc gia đang được vận hành như thế nào?
Đã có 95/95 cơ quan TƯ và địa phương hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Các phần mềm quản lý văn bản của bộ, ngành, địa phương đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt và có tính hệ thống. Văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các cơ quan nhà nước.
Chỉ riêng 1 tháng đầu năm, có 8.300 văn bản gửi và gần 19.300 văn bản nhận điện tử.
Ngoài ra, Chính phủ quyết tâm từ 30/6 phải triển khai được hệ thống e-cabinet (hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ), tiến tới Chính phủ phi giấy tờ. Hệ thống này sẽ được kết nối với các thành viên Chính phủ.
Chính phủ trước đây họp 3 ngày thì khi ứng dụng hệ thống này chỉ còn 1 ngày, vì nội dung văn bản đã thống nhất rồi, đưa ra Chính phủ biểu quyết chỉ cần ấn nút thông qua, còn các xung đột, tranh luận đã xử lý trên mạng rồi.
Điều này giúp tạo ra sự minh bạch, công khai, rõ ràng, mọi người đều có thể giám sát được. Thậm chí, một văn bản được đem ra lấy ý kiến, Bộ nào chậm trễ hoặc không trả lời sẽ bị chỉ đích danh ngay.
Như vậy, từ nay sẽ không còn chuyện gửi công văn, giấy tờ bằng đường bưu điện, gửi hỏa tốc nữa?
Đúng vậy, bên này bấm nút là bên kia nhận được văn bản ngay. Điều này giúp giảm được rất nhiều khâu, thủ tục, không phải chuẩn bị giấy tờ, in ấn, sao gửi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng |
Bình thường gửi một văn bản xuống địa phương phải mất khoảng 2 ngày, chưa kể chi phí gửi văn bản hoả tốc. Giờ phát hành trên mạng, những nơi liên quan nhận được văn bản luôn, nhanh hơn cả "hoả tốc” mà không mất chi phí.
Các văn bản được ký bằng chữ ký số có giá trị như văn bản ký “tươi” có dấu đỏ. Và các cơ quan cũng không thể nói không nhận được hoặc việc lý do công văn, văn bản đến trễ vì trên hệ thống lưu dấu vết hết.
Với hệ thống này và việc áp dụng chữ ký số, các bộ trưởng không cần ngồi tại phòng làm việc mà có thể đi bất cứ đâu cũng có thể xử lý công việc, ký giấy tờ bằng chữ ký số.
Tiết kiệm hơn 1.200 tỉ
Ngoài lợi ích chuyển, nhận văn bản nhanh, bài toán kinh tế khi thực hiện Trục được tính toán như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Thống kê sơ bộ, hệ thống này vận hành mỗi năm sẽ tiết kiệm khoảng trên 1.200 tỉ đồng. Trong đó, tiền photo, tiền giấy, tiền mực, sao chụp, scan… đã tiết kiệm được khoảng hơn 154 tỉ đồng; tiền bưu chính, gửi văn bản hoả tốc, chuyển phát nhanh… tiết kiệm khoảng 575 tỉ. Chi phí thời gian, tiết kiệm lao động khoảng 576 tỉ.
Đó là chưa kể nhiều lợi ích chưa thể cân đong, đo đếm được, chẳng hạn, tăng tính công khai, minh bạch và giảm tiêu cực. Đặc biệt, tạo lòng tin của dân và môi trường đầu tư cũng sẽ được cải thiện rất nhiều…
Vậy còn chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và vận hành hệ thống cũng như nhân sự điều hành, nhất là việc bảo mật, an toàn thông tin?
Cách thức là DN đầu tư hạ tầng, nhà nước thuê lại. Trục do VNPT xây dựng, còn phần mềm là của Viettel. Mỗi năm chi phí thuê hạ tầng hết khoảng 31 tỉ, trừ chi phí này mỗi năm chúng ta tiết kiệm được hơn 1.200 tỉ.
Toàn bộ hệ thống này phải xây dựng 2 đường, một đường chạy và một đường dự phòng, luôn có tính bảo mật. Chuyên gia nước ngoài giúp mình rất nhiều trong việc phòng ngừa, tấn công các mã độc hay loại trừ các thiết bị nguy hại, mất dữ liệu thông tin...
Bộ GTVT và Bộ Công an kết nối dữ liệu
Người dân sẽ được hưởng những lợi ích gì từ hệ thống này?
Thủ tướng chỉ đạo, tới cuối quý 4 sẽ nâng trục này trở thành Trục liên thông tích hợp với Cổng dịch vụ công và thí điểm ngay cho thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe.
Việc cấp đổi bằng lái xe sẽ làm và công khai luôn. Bộ GTVT và Bộ Công an kết nối dữ liệu với nhau, ai vi phạm ở đâu, đi xe biển số nào, bị giữ bằng hoặc tước bằng thì tất cả được lưu giữ trên nền điện tử hết.
Khi dịch vụ và thủ tục hành chính công khai như vậy rất thuận tiện cho người dân. Nay mai sẽ có kho dữ liệu quốc gia được quản lý chung, không còn kho riêng của bộ nào, không có “kho ông, kho tôi”, giữ làm dữ liệu riêng để “độc quyền”.
Có hệ thống như vậy thì không thể giấu được gì.
Các bộ ngành có hoàn toàn ủng hộ trục liên thông, thưa Bộ trưởng?
Các bộ, ngành, địa phương cũng rất quyết tâm, dù có mức độ khác nhau. Quan trọng nhất là phải tập huấn cho cán bộ và tạo áp lực mạnh từ trên xuống.
Lãnh đạo phải đi tiên phong, lãnh đạo mà ký giấy thì cán bộ sẽ không chịu trình văn bản điện tử, ngược lại lãnh đạo xử lý trên điện tử thì không cán bộ nào dám trình văn bản giấy.
Văn phòng Chính phủ bây giờ không được ký “tươi” nữa, hồ sơ giấy gửi lên lãnh đạo sẽ trả về, phải quyết liệt như vậy mới được. Văn phòng Chính phủ đã trang bị ipad cho các lãnh đạo cấp vụ, dù họ đi công tác hay họp vẫn có thể giải quyết công việc và ký văn bản trên điện tử.
Như tôi dứt khoát không ký tay nên cán bộ không dám trình văn bản giấy, nếu không làm như thế thì ngày nào văn bản cũng xếp hàng chồng trên bàn làm việc.
Ảnh: Phạm Hải
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet