Trước những lo ngại về chất lượng đầu vào khi Bộ GD&ĐT cho phép trường Đại học Bách khoa Hà Nội xét tuyển thạc sĩ khoa học, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT chỉ ra 3 căn cứ để Bộ đưa ra quyết định này.
Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, luật Giáo dục Đại học 2012 đã quy định (Tại Khoản 2, Điều 34) về quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”.
Cho đến nay đã có nhiều trường xây dựng đề án và thực hiện xét tuyển đào tạo trình độ Đại học. Bộ cũng muốn sửa đổi quy chế đào tạo thạc sĩ (trong đó có quy định về tuyển sinh), nay để Đại học Bách Khoa Hà Nội thực hiện thí điểm cho thạc sĩ định hướng nghiên cứu, trên cơ sở đó sẽ rút kinh nghiệm.
Thứ hai, về cơ sở thực tiễn, Đại học Bách khoa Hà Nội là một trường đào tạo có uy tín về chất lượng, đặc biệt trong Đề án trường có nêu rõ mục tiêu là để nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ khoa học (tức là theo định hướng nghiên cứu) trên cơ sở gắn chặt đào tạo với nghiên cứu. Tổ chức xét tuyển sẽ giảm được các quy trình, thủ tục thi cử rườm rà cho thí sinh.
Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, luật Giáo dục Đại học 2012 đã quy định (Tại Khoản 2, Điều 34) về quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”.
Cho đến nay đã có nhiều trường xây dựng đề án và thực hiện xét tuyển đào tạo trình độ Đại học. Bộ cũng muốn sửa đổi quy chế đào tạo thạc sĩ (trong đó có quy định về tuyển sinh), nay để Đại học Bách Khoa Hà Nội thực hiện thí điểm cho thạc sĩ định hướng nghiên cứu, trên cơ sở đó sẽ rút kinh nghiệm.
Thứ hai, về cơ sở thực tiễn, Đại học Bách khoa Hà Nội là một trường đào tạo có uy tín về chất lượng, đặc biệt trong Đề án trường có nêu rõ mục tiêu là để nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ khoa học (tức là theo định hướng nghiên cứu) trên cơ sở gắn chặt đào tạo với nghiên cứu. Tổ chức xét tuyển sẽ giảm được các quy trình, thủ tục thi cử rườm rà cho thí sinh.
Đại học Bách khoa Hà Nội xét tuyển thạc sĩ khoa học từ năm học 2016-2017 (Ảnh: vietnamnet.vn)
Việc xét tuyển cũng sẽ tạo điều kiện cho thí sinh học theo chương trình tích hợp Cử nhân – Thạc sĩ theo mô hình 4+2 và Kỹ sư – Thạc sĩ theo mô hình 5+1, sinh viên sẽ được tham gia vào các nhóm nghiên cứu, tham gia vào các Lab của các thầy từ năm thứ 3, thứ 4.
Trên cơ sở đó làm đồ án tốt nghiệp đại học và tiếp tục phát triển thành luận văn Thạc sĩ. Như vậy vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa nâng cao tiềm lực nghiên cứu.
Hơn nữa, đào tạo tiến sĩ chúng ta cũng đã xét tuyển từ mấy năm qua và trường Đại học Bách Khoa làm rất tốt. Cùng với đó, chương trình khảo sát chất lượng PFIEV cũng đã cho xét tuyển thẳng lên học Thạc sĩ.
Thứ ba, về hội nhập quốc tế: Việc xét tuyển đào tạo Thạc sĩ ở các nước là rất thông dụng, chúng ta nên học theo các mô hình này.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học lưu ý, thời gian tới Đại học Bách Khoa Hà Nội phải xây dựng quy định cụ thể về quy trình tuyển sinh trên cơ sở đề án với các tiêu chí:
Một là, về phạm vi áp dụng: Phải đảm bảo yêu cầu về thí sinh tốt nghiệp đại học loại Khá đúng ngành, tốt nghiệp không quá 3 năm, ngành đào tạo thuộc khối kỹ thuật công nghệ và Đại học Bách khoa Hà Nội được đào tạo thạc sĩ từ 10 năm trở lên.
Theo quy chế hiện nay, thí sinh dự thi cao học phải thi 3 môn trong đó có một môn ngoại ngữ (đối với thí sinh chưa có chứng chỉ tương đương B1 theo yêu cầu) và hai môn khác do trường quyết định (trong đó có một môn chủ chốt của ngành, chuyên ngành đào tạo).
Đại học Bách khoa Hà Nội xét tuyển vẫn phải yêu cầu thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp.
Hiện nay hầu hết các trường đại học đã đều đạt chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp đại học tương đương trình độ B1, nên việc này không có vấn đề gì.
Còn hai môn khác cũng do trường quyết định nên đối với các sinh viên tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội loại khá và đúng ngành thì việc tổ chức thi thực chất là không cần thiết.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã có báo cáo thống kê về điểm thi cao học của số sinh viên tốt nghiệp của trường, điều này thấy rõ.
Hai là, đối với thí sinh tốt nghiệp từ các trường đại học khác thì trách nhiệm của Đại học Bách khoa Hà Nội là phải làm việc với các trường khác để có thể công nhận tín chỉ lẫn nhau, trên cơ sở đó mới có thể xét tuyển để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Điều quan trọng nhất, đây là chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu, học tập tại trường. Những thí sinh không có năng lực đi theo định hướng làm giảng dạy, nghiên cứu chắc chắn không đăng ký học.
Bà Phụng cũng khẳng định: “Chúng tôi biết tại Đại học Bách khoa Hà Nội, học viên cao học theo định hướng nghiên cứu sẽ được biên chế về các bộ môn giống như cán bộ giảng dạy cơ hữu, sẽ tham gia nghiên cứu và trợ giảng.
Đào tạo sẽ gắn chặt với nghiên cứu, như vậy, chất lượng chắc chắn sẽ được nâng cao, đó cũng là mục tiêu mà Đại học Bách Khoa Hà Nội đặt ra trong đề án”.
“Nếu các trường đại học muốn được tuyển sinh thạc sĩ bằng xét tuyển phải xây dựng đề án, đảm bảo các điều kiện về chất lượng, tương tự như Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Bộ với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thanh tra, kiểm tra, siết chặt đầu ra. Đầu ra đại học kiểm soát tốt thì đầu vào thạc sĩ không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa”, bà Phụng nhấn mạnh.
Ngày 4/10/2016, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ký văn bản số 4202/QĐ-BGDĐT quyết định phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội giai đoạn 2016-2021”.
Theo đó, bắt đầu từ năm học 2016-2017, trường Đại học Bách khoa Hà Nội được tuyển sinh thạc sĩ theo hướng nghiên cứu bằng hình thức xét tuyển thay vì thi tuyển.
Tác giả bài viết: Thùy Linh