Kinh tế

Biệt thự, nhà hàng nguy nga trên rạch, cán bộ địa phương nhắc cấp dưới kiểm tra nhưng... quên mất

"Khi đi ngang qua có thấy công trình xây dựng bờ kè bê tông kiên cố, vênh ra mặt nước trên con rạch, tôi có nhắc cán bộ xuống kiểm tra, nhưng rồi quên mất" - ông Tuấn nói.

Phía trước căn biệt thự của ông T. đang được thi công lấn chiếm, bức tử kênh rạch - Ảnh: CHÍ HẠNH

Chủ đất công khai xây biệt thự nguy nga trên một phần đất trồng cây lâu năm, xây nhà hàng ngay trên rạch tự nhiên. Cán bộ địa phương nói đi ngang thấy, có nhắc cấp dưới xuống kiểm tra nhưng… quên mất.

Công trình biệt thự và nhà hàng bị người dân phản ánh xây dựng trên một phần đất nông nghiệp, không có giấy phép xây dựng, "bức tử" kênh rạch của ông Nguyễn Tấn T., ngụ xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Cụm công trình trên nằm lộ thiên cặp tỉnh lộ 902, nối huyện Mang Thít với TP Vĩnh Long. Ngôi biệt thự khá hoành tráng, nằm sát con rạch nhỏ được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, lấn ra mặt nước 2m.

Khu nhà hàng có tên Nguyên Phát, cũng do ông T. sở hữu nằm phía sau, tiếp giáp sông Cổ Chiên hàng ngày phục vụ ăn nhậu cho thực khách và cũng nằm hẳn trên mặt nước của con rạch.

Phần bê tông cốt thép đang được công khai xây dựng, lấn chiếm kênh rạch - Ảnh: CHÍ HẠNH

Theo thông tin từ UBND xã An Phước, ông T. sở hữu hơn 3.994m2 đất, trong đó có 300m2 đất ở nông thôn. Ông T. thừa nhận khi xây biệt thự mình chỉ thông báo miệng cho chính quyền biết và không cần phải xin phép xây dựng vì ở đây là vùng nông thôn.

"Nhà tôi xây tổng diện tích 450m2, vượt 150m2 so với giấy chứng nhận 300m2 đất ở nông thôn. Hồi tháng 5-2022, tôi đã làm thủ tục xin chuyển thêm 200m2 đất cây lâu năm sang đất ở để hợp thức cho căn nhà" - ông T. nói.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hoàng Tuấn - phó chủ tịch UBND xã An Phước - cho biết công trình xây dựng nhà ở và nhà hàng của ông T. được thực hiện từ năm 2019 đến 2020. Công trình đã hoàn thành rất lâu, trước khi xin chuyển đổi thêm diện tích đất cây lâu năm sang đất ở nông thôn.

Còn khu nhà hàng của ông T. có xin giấy phép kinh doanh, được xây dựng tháng 12-2021 trên phần đất cây lâu năm và cũng không xin phép chính quyền. Ông T. cũng tự ý mua đất, mở đường giao thông đấu nối ra tỉnh lộ 902 và cũng chưa xin phép cơ quan có thẩm quyền.

"Khi đi ngang qua có thấy công trình xây dựng bờ kè bê tông kiên cố, vênh ra mặt nước trên con rạch, tôi có nhắc cán bộ xuống kiểm tra, nhưng rồi quên mất" - ông Tuấn nói.

Khu nhà hàng phía sau căn biệt thự của ông T. cũng được xây dựng trên phần mặt nước kênh rạch. Đường giao thông đấu nối ra tỉnh lộ cũng chưa xin phép cơ quan thẩm quyền - Ảnh: CHÍ HẠNH

Tương tự, ông Nguyễn Chí Thiện - trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mang Thít - cũng cho biết khi đi ngang công trình biệt thự, nhà hàng của ông T. chỉ thấy đẹp chứ chưa nắm thông tin gì về xây dựng.

Còn ông Nguyễn Hùng Phú - trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Mang Thít - cho biết đang phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương kiểm tra hai công trình nhà ở và nhà hàng của ông T. để có hướng xử lý.

"Cả hai công trình này xây dựng một phần trên đất ở nông thôn, một phần trên đất trồng cây lâu năm và đều không có giấy phép xây dựng" - ông Phú thừa nhận.

Tác giả: CHÍ HẠNH

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP