Giáo dục

Biên soạn sách giáo khoa phổ thông sẽ theo hướng xã hội hóa

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc biên soạn sách giáo khoa phải có tính thực tế và khoa học của các chỉ báo, đảm bảo có thể sử dụng lâu dài, tránh lãng phí.

SGK sử dụng lâu dài, tránh lãng phí

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo tài liệu tập huấn cho thành viên tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Hội thảo có sự tham dự của một số thành viên Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông; các nhà khoa học, nhà giáo dục có uy tín; đại diện một số trường đại học sư phạm, một số nhà xuất bản cùng cán bộ, chuyên viên của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ GD&ĐT.

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, ngoài các văn bản pháp lý hiện có về thẩm định SGK, yêu cầu có một bộ chỉ báo tiêu chuẩn trong quá trình thẩm định là rất cần thiết, từ đó có đánh giá khách quan, khoa học và chính xác đối với các bộ sách được thẩm định và kết quả là chọn được bộ sách tốt. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới tính thực tế và khoa học của các chỉ báo, đảm bảo SGK có thể sử dụng lâu dài, tránh lãng phí.

“Biên soạn và ban hành sách giáo khoa là việc được cả xã hội trông đợi, áp lực viết sách rất lớn, áp lực cho Hội đồng thẩm định cũng rất cao. Chúng ta chịu trách nhiệm về chất lượng sách giáo khoa trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, tôi mong rằng, sẽ có một bộ tài liệu tập huấn thật tốt, làm cơ sở, căn cứ cho Hội đồng thẩm định sách giáo khoa hoàn thành nhiệm vụ thẩm định, trước mắt là cho 8 môn học dành cho lớp 1” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ.

Hội thảo cũng đã góp ý hoàn thiện dự thảo tài liệu tập huấn cho thành viên tham gia Hội đồng thẩm định SGK lớp 1. Trước đó, ngày 22/12/2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 33 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

Sắp tới, SGK sẽ được biên soạn theo hướng xã hội hóa.

Qua thẩm định mới được phát hành

Trước đó, vào ngày 14/6, Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, đã chốt việc thực hiện một chương trình thống nhất trên cả nước với nhiều sách giáo khoa (SGK). Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông, ban hành chương trình giáo dục phổ thông sau khi được hội đồng thẩm định.

Theo Luật, chương trình giáo dục phổ thông quy định yêu cầu về phẩm chất, năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước, quy định phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học của giáo dục phổ thông.

Chương trình thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục. Mỗi môn học có một hoặc một số SGK. Luật quy định việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa, việc xuất bản SGK thực hiện theo quy định của pháp luật.

UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của bộ trưởng Bộ GD&ĐT. SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn phải qua thẩm định mới được phát hành. Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK do bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học.

Luật Giáo dục (sửa đổi) đã quy định cụ thể về thành phần hội đồng quốc gia thẩm định SGK, bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.

Những chuyện vui, buồn dọc đường trường thi

Tác giả: Quang Anh

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP