SGK của NXBGDVN đang được in để cung ứng ra thị trường phục vụ năm học mới. Ảnh: Việt Hà |
Liên tiếp phát hiện nhiều vụ in lậu sách giáo dục
Trong đầu tháng 6, Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh Bình Định đã kiểm tra và phát hiện hơn 72.600 cuốn SGK có tem dán khác với tem của NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN). Chủ nhà sách không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Theo nhận định của đoàn liên ngành, số sách này làm giả sách của NXBGDVN được in tại một số công ty in trong nước, trong đó có Công ty in Nhân dân Bình Định.
Trước đó, trong tháng 5, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện số lượng lớn sách của NXBGDVN bị in lậu được tập kết tại một kho thuộc huyện Hoài Đức. Số sách này gồm: SGK, sách tham khảo (STK), sách tiếng Anh cùng nhiều sản phẩm khác. Có tới 40.000 đĩa tiếng Anh các loại, hơn 30.000 SGK và sách bổ trợ các cấp học là xuất bản phẩm lậu bị Cục này thu giữ.
Trước nạn in lậu SGD tràn lan trên địa bàn, ảnh hưởng lớn đến công tác dạy - học của các nhà trường, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên đã có công văn gửi các Phòng GD&ĐT cảnh báo và có giải pháp phòng, chống sách giả, sách in lậu vào trường học. Trong công văn, Sở cảnh báo: Hiện nay trên thị trường các tỉnh phía Nam, trong đó có tỉnh Phú Yên, đã xuất hiện rất nhiều sách của NXBGDVN bị in lậu với số lượng lớn. Chủ yếu là các loại sách: Vở bài tập Toán, vở bài tập tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5, sách bài tập các môn chính từ lớp 6 đến lớp 9, sách tiếng Anh mới (Đề án Ngoại ngữ 2020), sách hướng dẫn học Tin học, sách học mỹ thuật mới theo định hướng phát triển năng lực cấp tiểu học.
Để tránh mua phải sách in lậu, sách kém chất lượng, ông Lê Hoàng Hải khuyến cáo: “Phụ huynh, giáo viên và học sinh nên mua SGK, STK và sách bổ trợ của NXBGDVN tại cửa hàng của các Công ty CP Sách và Thiết bị trường học tại các tỉnh trong cả nước, mua tại cửa hàng thuộc hệ thống đối tác của NXBGDVN, tránh mua sách trôi nổi của các đại lý nhỏ trên thị trường”. Ông Lê Hoàng Hải - Phó Tổng Giám đốc NXBGDVN |
Nhiều giải pháp chống SGK lậu trên thị trường
NXBGDVN đã áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật như các loại mã số, tem chống giả để hạn chế tình trạng in lậu sách của đơn vị cũng như tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm soát thị trường. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản, in, phát hành SGD chưa được quan tâm thường xuyên, lực lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xử phạt vi phạm chưa nghiêm nên tình trạng in lậu, in giả, sao chép trái phép SGD ngày càng tinh vi, phức tạp, lan rộng, có xu hướng gia tăng… gây nên những bất cập trong việc bảo đảm nhu cầu dạy, học.
Theo ông Lê Hoàng Hải - Phó Tổng Giám đốc NXBGDVN, hiện nay đơn vị có 73 đối tác phát hành nằm ở 63 tỉnh thành, thành phố cùng với các công ty sách và thiết bị trường học đang làm công tác phát hành SGK. Để bảo đảm thị trường SGK không xáo trộn, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và không có SGK giả, sách lậu, SGK chỉ được phân phối thông qua kênh các đối tác phát hành của NXBGDVN.
Tiếp đó, hàng năm Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp với các đối tác phát hành đăng ký kế hoạch doanh số phát hành trên từng đầu sách, tên sách; Tránh trường hợp trên địa bàn phát hành có ít học sinh nhưng đơn vị đối tác lại đăng ký số lượng lớn để bán lại sang thị trường bên cạnh kiếm lời nhằm tránh hỗn loạn thị trường.
Cần chế tài xử phạt mạnh hơn
Ông Hải cũng cho biết: Hiện nay, nguồn cung ứng SGD lậu khá trầm kha, khó có thể khắc phục trong thời gian này. Do hệ thống pháp lý hiện chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn nên đối tượng có nhiều động cơ để thực hiện in lậu SGD, SGK, STK của Nhà xuất bản Giáo dục vì lợi nhuận lớn.
Đối tượng sẽ chọn những sách nào có tỷ suất lợi nhuận cao để thực hiện hành vi in lậu. Riêng SGK, về cơ bản ít có sách in lậu vì NXB đã bù lỗ nhiều năm nay nên đầu nậu không thể in rẻ hơn được nữa. Những kẻ in lậu chủ yếu tập trung vào STK, Nhà nước không quản lý giá STK và các NXB quyết định giá bán. Các đối tượng in lậu hiện nay đang tập trung khá mạnh ở mảng sách tiếng Anh, vì sách này có lợi nhuận lớn, giá sách cao.
Chuẩn bị thi THPT quốc gia: Ôn tập đến sát ngày thi
Tác giả: Bá Hải
Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại