Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân |
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính của Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, sáng 22/1, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại thành phố có nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Do đó, thành phố đã thành lập tổ công tác do Chủ tịch thành phố làm tổ trưởng.
Từ thực tế giải quyết các vụ việc khiếu kiện kéo dài, điển hình như vụ Chợ An Đông, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, có phần lỗi của các cơ quan quản lý. “Chúng ta có những cái sai, cái yếu kém nhưng không nhận, hoặc nhận không đầy đủ, dẫn đến bà con không chịu. Bên cạnh đó cũng có một số đối tượng lợi dụng để kích động”, ông Nhân nói.
Phân tích cụ thể hơn lỗi của cơ quan quản lý, ông Nhân cho hay, Ban Quản lý chợ An Đông chưa quan tâm đến quyền lợi của bà con tiểu thương. Do đó, việc đầu tiên khi thành phố xử lý là phải thay Ban Quản lý chợ. Đối với những công trình làm chậm, tiểu thương góp ý nhưng không sửa, không nghe thì triển khai ngay. Đặc biệt, lợi ích cốt lõi của tiểu thương là quyền kinh doanh phải được đảm bảo.
Ông Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với người dân Thủ Thiêm |
Về vụ Thủ Thiêm, ông Nhân cho biết, khiếu kiện đã kéo dài từ rất lâu. Vừa qua thanh tra Chính phủ đã có kết luận, qua đó thấy rằng, các cơ quan quản lý cũng có những sai sót. “Bài học lớn đặt ra khi giải quyết vụ việc này là nếu có sai sót thì chúng ta phải nhận”, ông Nhân nói.
Ông Nhân cũng kiến nghị Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (người cũng tham dự Hội nghị - PV) quan tâm và công bố sớm kết luận còn lại của Thủ Thiêm. “ Vừa qua mới chỉ công bố những vấn đề liên quan đến dân, còn vấn đề liên quan đến trách nhiệm chung thì chưa thấy công bố. Thành phố rất chờ đợi có cái này”, ông Nhân cho hay.
Đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng chung ở thành phố, ông Nhân cho biết, bên cạnh những giải pháp chung, thành phố đã thực hiện quy chế 1374, trong đó quy định các cấp ủy, chính quyền phải tiếp thu ý kiến của nhân dân phản ánh về những nguy cơ gắn với cán bộ, công chức có sai phạm.
Theo đó, khi có tin báo thì cấp ủy phải chỉ đạo cho chính quyền liên quan xử lý, xử lý xong thì phải báo cáo cấp ủy có thời hạn. Năm qua, hệ thống Đảng và chính quyền, mặt trân các cấp đã tiếp nhận hơn 3.400 tin báo có nguy cơ sai phạm trong cán bộ, công chức và sự việc xảy ra. Qua đó hơn 3.000 tin đã được xử lý.
“Qua xử lý này có 2 kết quả quan trọng. Một là, các cấp ủy quan tâm lắng nghe ý kiến của nhân dân, ý kiến của báo chí, ý kiến của giám sát, tiếp xúc cử tri. Thứ 2 là buộc phải làm, không vui, nhưng phải kỷ luật 97 đảng viên từ khiển trách đến khai trừ; về chính quyền đã xử lý 142 cán bộ công chức từ khiển trách cho đến buộc thôi việc”, ông Nhân cho biết.
Tác giả: VĂN KIÊN
Nguồn tin: Báo Tiền Phong