Pháp luật

Bi kịch từ khoản vay góp của người rời quê ra phố

Nếu như bị đẩy đến bước đường cùng, trong cơn phẫn uất bạn sẽ hành xử ra sao? Xin đừng như bị cáo trong câu chuyện dưới đây - một người bán vé số lương thiện - bị dồn ép mà vô tình trở thành kẻ giết người.

Bị cáo là Nguyễn Đặng Quang Vinh (40 tuổi, quê Tiền Giang), lên TP.HCM mưu sinh nhưng lại rơi vào một tấn bi kịch đau xót.

Nghèo túng

Người mẹ đi xe máy 70km từ Tiền Giang lên TP.HCM để cùng con dâu dự phiên xét xử con trai mình. Bị cáo - con trai bà - là Nguyễn Đặng Quang Vinh, nhưng thường bị gọi là Vinh “lùn” bởi Vinh chỉ cao hơn 1m. Hồi còn trẻ, bạn bè vẫn trêu Vinh là “lùn như mày thì ma nó lấy”.

Không biết có phải đấy là lý do, hay gia cảnh nghèo túng mà Vinh không lấy được vợ. Vinh từng trải qua ba nghề kiếm sống: bốc vác một thời gian kiệt sức thì đi làm phụ hồ, hết phụ hồ thì đi bán vé số.

Cứ nghỉ nghề này Vinh lại làm nghề khác. Rồi người chú tập cho Vinh uống rượu giải sầu. Cứ chiều tối sau khi đi làm về, hai chú cháu mỗi người nửa lít rượu. Uống đến khi nào say “quắc cần câu” mới đi ngủ.

Vinh không biết đi xe máy, không biết đi xe đạp. Mẹ Vinh kể: “Nó không dám tập xe vì sợ đau”. Mỗi sáng đi làm, Vinh phải ngồi nhờ xe của đám bạn là thợ phụ hồ. Nhưng đi nhờ xe suốt cũng ngại.

Vinh đưa tiền đổ xăng, bạn bè không lấy nhưng rủ rê: “Thôi mày dẫn bọn tao đi nhậu”. Lần nào tiền bao chầu nhậu đều nhiều hơn tiền công đi làm mấy ngày.

Cách đây 5 năm, Vinh nói với mẹ: “Làm ở quê hoài không đủ ăn. Con lên thành phố làm xem có dư không, kiếm ít tiền phụ má”. Vinh lên TP.HCM mà không có nghề gì ngoài công việc cũ. Cứ hết làm thợ hồ lại đi bán vé số.

Cách đây hai năm, khi Vinh đi bán vé số ở xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) thì gặp chị Liên bán bánh mì trên vỉa hè. Vinh mời chị Liên mua vé số, chị Liên mời Vinh mua bánh mì. Hai người quen nhau. Chị Liên hơn Vinh 13 tuổi, có ba người con. Chồng chị mất cách đây mười mấy năm.

Vinh đem lòng thương chị Liên. Hai người “rổ rá cạp lại” và thuê nhà dọn về sống với nhau. Hơn nửa đời người, đầu hai thứ tóc, Vinh mới được nếm trải thế nào là hạnh phúc gia đình. Từ ngày ở với nhau, Vinh bảo chị Liên nghỉ bán bánh mì bởi sợ chị vất vả.

Nhưng một mình Vinh đi bán vé số làm sao đủ chi phí sinh hoạt cho hai người? Chị Liên thương Vinh nên vẫn dọn hàng ra bán. Hai người làm mà cuộc sống vẫn chật vật. Mỗi tháng đến ngày đóng tiền thuê nhà trọ, Vinh vẫn phải sấp ngửa đi vay.

Đoạn đời buồn khổ ấy của bị cáo và chị Liên tất nhiên không được ghi trong cáo trạng.

Cáo trạng chỉ nêu ngắn gọn: Ngày 13-1-2016, Nguyễn Đặng Quang Vinh mượn của bà Huỳnh Thị Nhự số tiền 8,4 triệu đồng để chi tiêu cho sinh hoạt hằng ngày. Vinh thống nhất với bà Nhự mỗi ngày sẽ trả góp 100.000 đồng cho đến khi góp đủ số nợ.

Mỗi tờ vé số lãi 1.000 đồng. Ngày nào bán được 100 tờ vé số thì Vinh mới đủ tiền trả góp. Hai ngày liền Vinh thiếu tiền thì bị bà Nhự gọi điện thoại đòi. Dù Vinh đã xin khất nợ, nhưng bà Nhự vẫn đến tìm khi Vinh đang đi bán vé số ở huyện Bình Chánh.

Bà bảo Vinh: “Nếu không có tiền thì phải trả tao 10 tờ vé số một ngày”. Vinh không chịu vì đó là kế sinh nhai của mình. Bà Nhự cũng không đồng ý cho Vinh thiếu tiền trả góp. Cả hai cự cãi nhau. Cuối cùng Vinh phải đưa cho bà Nhự 20 tờ vé số trị giá 200.000 đồng.

Khi về nhà, bà Nhự kể lại chuyện cho bạn mình là bà D. nghe. Sau đó, cả hai cùng mấy thanh niên kéo đến khu nhà trọ của Vinh. Bà D. lớn tiếng chửi mắng.

Bị chửi, Vinh không nói gì mà vào phòng lấy con dao Thái Lan lưỡi dài 20cm rồi đâm một nhát trúng cổ bà D. khiến bà bị thương tích 30%. Vinh bị truy tố về hành vi giết người có tính chất côn đồ.

Nước mắt đàn ông

Ở tòa, cả bị cáo Vinh và vợ đều nói rằng số tiền vay bà Nhự là vay lãi nặng. Cứ vay 5 triệu đồng phải trả 3,4 triệu đồng tiền lãi. Mỗi ngày trả 100.000 đồng trong gần ba tháng mới xong.

Túng quẫn nên vợ chồng Vinh phải vay nhiều lần. Mỗi lần vay vài triệu đồng, cứ trả hết rồi vay thêm. Riêng bà Nhự thì khai bà cho vay không lấy lãi. Lời khai của bị cáo về việc vay lãi nặng không có gì để chứng minh.

“Con người khác con vật ở chỗ làm gì cũng suy nghĩ mới làm. Bị cáo nói không có ý định giết bà D. mà lại đâm bà ấy?” - trước câu chất vấn ấy của tòa, Vinh bảo bị cáo thiếu tiền góp hai ngày 200.000 đồng, bà Nhự lấy 20 tờ vé số là hết nợ.

Thế nhưng bà còn cho côn đồ đến nhà đánh bị cáo sưng má, khiến bị cáo té xuống nền nhà. Tức quá bị cáo mới vào nhà lấy dao tự vệ, ai ngờ đâm trúng bà D..

“Viện KSND truy tố bị cáo về tội giết người là chưa đúng, bởi bà Nhự chặn đường đòi tiền rồi lấy vé số của bị cáo. Lấy vé số rồi bà còn kêu người đến tận nhà đánh chửi bị cáo. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội thì không thể áp đặt ý thức giết người cho bị cáo, mà chỉ nên truy tố về hành vi cố ý gây thương tích” - vị luật sư bào chữa chỉ định cho bị cáo Vinh phân tích.

Tuy nhiên, đại diện Viện KSND vẫn giữ nguyên quan điểm rằng bị cáo dùng dao đâm vào vùng trọng yếu trên cơ thể người khác, cho nên việc truy tố về tội giết người là đúng pháp luật.

Mức án 10 năm tù dành cho Vinh khiến cả mẹ lẫn vợ bị cáo đều bàng hoàng. Họ không ngờ một người “sợ máu đến nỗi bị đứt tay còn khóc, không dám tập xe đạp vì sợ bị té đau” như Vinh lại có thể trở thành một kẻ giết người.

Khi bị đưa ra khỏi phòng xử, bị cáo lặng lẽ đưa tay quệt nhanh dòng nước mắt. Thế là hết cuộc sống nghèo túng mà tự do của người bán vé số dạo!

Dẫu biết rằng không thể biện minh tội ác do hoàn cảnh gây nên, nhưng hôm ấy vị luật sư của bị cáo lặp lại rất nhiều lần câu hỏi: “Nếu bà D. không chủ động tìm đến nhà bị cáo gây gổ, đánh bị cáo trước thì vụ án có xảy ra không?”.

Có lẽ nếu không bị dồn ép vào bước đường cùng thì bây giờ mỗi ngày Vinh vẫn đi về mấy chục cây số với xấp vé số trên tay, vẫn giữ được hạnh phúc muộn màng của mình chứ không vướng vòng lao lý khi bắt đầu qua bên kia con dốc của cuộc đời...

Nghĩa tình ở lại

Khi nghị án, người cán bộ trại giam đưa cho chị Liên món đồ lưu niệm mà bị cáo nhờ chuyển giùm.

Đó là trái tim kết bằng dây cước màu đỏ thắm. Giữa trái tim có chữ “Liên”. Kèm theo con tôm màu xanh có chữ “Vinh”. Chị Liên cầm món quà có tên hai vợ chồng mà mắt rưng rưng...

Ngày chồng bị giam ở trại Chí Hòa, tháng nào chị Liên cũng vào thăm. Đến khi cán bộ trại giam phát hiện chị và Vinh không có hôn thú, họ không cho chị vào thăm nữa. Lần nào mẹ và các em vào, Vinh cũng hỏi: “Vợ con đâu? Có phải cô ấy bỏ con rồi không?”.

“Tiền bạc ăn ngày nay ngày mai cũng hết. Tình nghĩa mới là quan trọng...” - chị Liên nói thế khi ai đó hỏi chị có đợi đến ngày bị cáo được ra tù hay không.

Từ ngày chồng bị bắt, chị nghỉ bán bánh mì, chuyển qua bán cơm chay với mong muốn chồng được tai qua nạn khỏi.

Tác giả: Tâm Lụa

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP