Trong buổi làm việc với Bộ GD&ĐT vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một số yêu cầu đối với ngành, mà nhiệm vụ hàng đầu là "học thật, thi thật và nhân tài thật".
Theo đó, cần đánh giá tổng thể, toàn diện, thẳng thắn về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, nhất là trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; nêu rõ những kết quả, thành tựu đạt được, những mặt chưa được, các bài học kinh nghiệm, rút ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp đột phá, tổng thể cho thời gian tới.
(Ảnh minh họa Ngọc Diệp) |
TS. Lê Viết Khuyến (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học Việt Nam) cho rằng: "Học thật, thi thật và nhân tài thật" là mong đợi từ ngàn xưa, nhưng do tình hình phát triển lại có hướng "học giả, thi giả và nhân tài giả", đặc biệt là "thi giả" ngày càng hoạt động mạnh mẽ.
"Để đất nước có một nền giáo dục thật tốt phải khắc phục được chuyện đó. Nhưng cũng không phải dễ vì chừng nào bệnh thành tích còn "lộng hành" từ cấp hệ thống đến cấp cơ sở thì mong muốn đó khó thành hiện thực" - TS Khuyến nhấn mạnh.
Người xưa đã có câu: "học tài thi phận" để ám chỉ những người học giỏi nhưng thi chưa chắc đỗ mà còn do nhiều yếu tố khác quyết định, yếu tố khác hiện nay là "gian lận". Gian lận trong thi cử đã trở thành căn bệnh trầm kha của nền giáo dục, gây ra những bức xúc, lo âu, thậm chí là căm phẫn trong xã hội.
GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ: "việc thi cử đòi hỏi một sự rất phải nghiêm minh, rất công bằng, cho nên phải đánh giá phải hết sức chặt chẽ và rất công tâm. Còn việc thi của chúng ta hiện nay nó được châm trước bởi nhiều lý do ngoài chuyên môn, ngoài việc đào tạo".
TS. Lê Viết Khuyến (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học Việt Nam) nhận định: "Học thật" là học như thế nào thì thi cử như thế, không thể học một đằng thi cử một nẻo. Thi phải đúng nội dung quy định trong chương trình học, đánh giá chuẩn đầu ra phải xem kết quả học được có chuẩn đầu ra không. Việc hình thành văn hóa trung thực trong thi cử không phải dễ".
Để yêu cầu "thi thật" của Thủ tướng được thực hiện đúng thì chúng ta cần có những thay đổi từ cấp trung ương đến các cấp cơ sở.
TS. Lê Viết Khuyến (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học Việt Nam) khuyến nghị: "Ở cấp cơ sở là đội ngũ thầy cô giáo, học sinh các trường phải nghiêm túc hơn, phải chặt chẽ tránh sự gian lận; tư lệnh ngành, những người đứng đầu thì phải có quan điểm, chỉ đạo rõ ràng, phải nghiêm túc, xây dựng chặt chẽ, tránh quy trình học để lấy bằng".
Thi cử là cách để đánh giá một quá trình học, thi cử trong từng giai đoạn, cần có những thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, đầu tiên phải "học thật" thì mới có thể "thi thật".
Ngoài ra, Ngành giáo dục ảnh hưởng từ nhiều năm nay có thói quen chuộng thành tích, chúng ta phải bài trừ căn bệnh thành tích thì mới có thể "học thật", hình thành tính trung thực trong thi cử, từ đó "thi thật" mới có thể thực hiện.
97,74% người khẳng định là "có bệnh thành tích" Nhóm khảo sát, nghiên cứu về "Bệnh thành tích" trong giáo dục của GS.TS Nguyễn Ngọc Phú đã thực hiện ở 8 trường trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố và cho ra kết quả 97,7% người khẳng định có "bệnh thành tích" trong giáo dục. GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho biết, "Bệnh thành tích" trong giáo dục, có thể được hiểu, đó là các hoạt động, hành động không trung thực trong báo cáo về kết quả giáo dục và đào tạo, tạo dựng thành tích ảo không có thực, dấu diếm các lỗi lầm trong hoạt động giáo dục và đào tạo của đơn vị do mình phụ trách, lừa dối, báo cáo sai sự thật, thổi phồng, phô trương các kết quả công việc mình đã thực hiện không đúng như thực tế đã có nhằm đạt được một mục đích cá nhân nào đó. Đây là các hoạt động, hành động, hành vi gian lận lừa dối (GLLD) trong giáo dục, đào tạo. Bởi vậy, chúng ta có quyền gọi cái gọi là "Bệnh thành tích" trong giáo dục là đồng nghĩa với các hoạt động, hành vi gian lận lừa dối trong giáo dục. Theo khảo sát ở 222 giáo viên và các cán bộ quản lý các nhà trường về có "Bệnh thành tích" trong giáo dục và đào tạo không và mức độ như thế nào thì 97,74% người khẳng định là "có bệnh thành tích", chỉ có 2,3% ý kiến cho rằng không có hiện tượng này. Trong đó, có 72,35% số người trả lời (bao gồm giáo viên và cán bộ quản lý) cho rằng mức độ vi phạm này là "nghiêm trọng". Số người cho rằng "rất nghiêm trọng" chiếm 23,04%. Số người đánh giá "đặc biệt nghiêm trọng" chiếm 4,6%.
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng, thông qua khảo sát điều tra, chúng tôi cũng muốn làm rõ động cơ của các hành vi gian lận, lừa dối cũng nhằm hiểu sâu thêm cội nguồn của các hành vi bất ổn này. |
Tác giả: Mai Hoa
Nguồn tin: Báo Dân trí