Cục Hàng không Việt Nam thông tin vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.
Tờ trình nêu rõ: "CHK số 2 Vùng Thủ đô phát triển khu bay với quy mô 2 đường cất hạ cánh. Xây dựng đường lăn, nhà ga và sân đỗ để đưa tổng công suất đạt 50 triệu khách/năm, khi có nhu cầu trong giai đoạn sau năm 2040".
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay: Đây là định hướng, là tầm nhìn phát triển hàng không tới năm 2050. Hiện tại, CHK quốc tế Nội Bài đủ năng lực để khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội và các vùng lân cận.
"Nghiên cứu của chúng tôi đặt ra nhằm giải quyết trường hợp sân bay Nội Bài bị quá tải. Vì theo tính toán, đến năm 2050 sản lượng khách qua CHK quốc tế Nội Bài là khoảng 100 triệu lượt, khi đó dù đã mở rộng CHK này thì cũng khó đáp ứng được nhu cầu phát triển. Vì vậy, phải tính tới việc xây dựng sân bay số 2 tại Hà Nội và việc triển khai cần thực hiện từ năm 2040" - lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay.
Vị trí xây dựng sân bay số 2 của Hà Nội không phải Hòa Lạc (ảnh: Tiến Tuấn) |
Về vị trí quy hoạch xây dựng sân bay, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã nghiên cứu một số khu vực khả thi, tuy nhiên vị này không tiết lộ vị trí cụ thể là ở đâu.
"Nêu ra vị trí xây dựng sân bay số 2 lúc này là quá sớm, vì đây là câu chuyện của thời điểm sau năm 2040. Từ nay đến khi đó là thời gian rất dài, cùng với sự phát triển về công nghệ hàng không thì có thể sẽ có rất nhiều thay đổi" - lãnh đạo Cục Hàng không nói.
Đề cập tới vị trí mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đề xuất trước đó là khu vực Hòa Lạc, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã lập tức bác bỏ.
"Hòa Lạc không thể là vị trí xây dựng sân bay số 2 của Hà Nội. Hiện nay các máy bay khai thác tại CHK quốc tế Nội Bài phải lấy điểm Hòa Lạc làm đỉnh trong quá trình cất-hạ cánh, vì vậy xây dựng sân bay số 2 tại đây sẽ gây chồng lấn với Nội Bài và Nội Bài không thể khai thác được. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ việc này." - lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Cục Hàng không, mạng CHK được quy hoạch trên quan điểm lấy mô hình kết cấu trục nan làm cơ sở chính với Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM là 3 điểm gom tụ lưu lượng hành khách, hàng hóa để nối với các đường bay nội địa và quốc tế. Mạng CHK được phân bổ hài hòa, hợp lý.
"Tất cả các CHK trong hệ thống CHK toàn quốc là CHK dùng chung (dân dụng và quân sự) nên các CHK đều có vai trò quan trọng về kinh tế và quốc phòng, ngoài việc là cửa ngõ thúc đẩy kinh tế thì các CHK đều đảm bảo tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng, và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động khẩn cấp như phòng chống dịch bệnh, thiên tai, bạo loạn trong thời gian qua đã cho thấy hiệu quả của việc phát triển hệ thống CHK theo quy hoạch đã duyệt" - Cục Hàng không nêu rõ.
Hiện nay Việt Nam có 22 CHK, sân bay, trong đó có 9 CHK quốc tế và 13 cảng hàng không, sân bay nội địa được phân chia theo 3 khu vực Bắc, Trung, Nam.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng, xác định nhu cầu và kết quả dự báo, tư vấn đã đề xuất ra các tiêu chí gồm sự cần thiết đầu tư (nhu cầu vận tải, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, khẩn nguy cứu trợ) và mức độ khả thi (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai, cự ly tới các trung tâm đô thị và cự ly giữa các cảng hàng không) từ đó Cục Hàng không đề xuất hệ thống CHK phù hợp nhất, quy hoạch theo các thời kỳ.
Đến năm 2030: Số lượng các cảng hàng không là 26 CHK, bao gồm 14 CHK quốc tế, 12 CHK nội địa. So với mạng CHK toàn quốc theo quyết định 236, hệ thống CHK toàn quốc trong quy hoạch lần này giảm từ 28 CHK xuống còn 26 CHK, trong đó 2 CHK gồm Nà Sản, Lai Châu được đề xuất quy hoạch xây dựng trong giai đoạn sau năm 2030.
Định hướng đến năm 2050: Việt Nam có 30 CHK, bao gồm 15 CHK quốc tế, 15 CHK nội địa, trong đó CHK thứ 2 cho Vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí