Dễ như mở, đóng tuyến xe buýt
Thời gian gần đây, trên địa bàn Nghệ An liên tục xảy ra các vụ TNGT liên quan đến xe buýt, làm chết nhiều người đã biến loại phương tiện vốn dĩ rất hữu ích này trở thành nỗi kinh hãi đối với người đi đường. Chỉ tính từ ngày 18/5 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 5 vụ TNGT liên quan xe buýt, làm chết 3 người và nhiều người khác bị thương.
Mới đây nhất, vào trưa ngày 12/7, tại xã Giang Sơn (Đô Lương), xe buýt Thạch Thành mang biển kiểm soát 37B-014.27 do tài xế Nguyễn Cảnh Dũng (SN 1985), trú tại xã Nghĩa Hành (Tân Kỳ) điều khiển đang chạy hướng Tân Kỳ - Đô Lương đã va chạm với xe máy BKS 37N1 - 168.90, do bà Vũ Thị T. (SN 1958), trú tại xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) điều khiển.
Trên xe máy chở theo 2 người khác gồm bà Trần Thị Nh. (SN 1938) và Trần Văn Đ. (SN 1988), cùng trú tại xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ). Hậu quả, vụ tai nạn khiến 2 người phụ nữ đi xe gắn máy đã bị tử vong, anh Đ. bị thương nặng, xe máy hư hỏng nặng.
Trước đó, khoảng 10h sáng cùng ngày, một chiếc xe buýt khác của Thạch Thành cũng va chạm giao thông với người đi xe đạp tại xã Tân Phú (Tân Kỳ) nhưng rất may không có thương vong xảy ra.
Xe buýt ùn ứ, xếp hàng chờ vào điểm dừng đón trả khách tại TP. Vinh. Ảnh: Hà Thư |
Theo Quyết định số 377 ngày 22/1/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn, giai đoạn 2012 - 2020 định hướng đến năm 2025 thì ngoài 13 tuyến xe buýt đang hoạt động, từ nay đến năm 2025 sẽ mở thêm 14 tuyến xe buýt mới, trong đó phấn đấu đến năm 2020 sẽ triển khai kêu gọi mở thêm 7 tuyến và đến năm 2025 sẽ mở các tuyến còn lại.
Quy định là vậy song tính đến thời điểm hiện tại, 7 đơn vị trong tỉnh và 2 đơn vị của tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư vào lĩnh vực này. 19 tuyến xe buýt đã được đưa vào khai thác, với 218 phương tiện vận tải hoạt động hàng ngày.
Ngoài ra, từ đầu năm 2016 đến nay, bằng hình thức bổ sung quy hoạch, tỉnh đã đưa vào hoạt động nhiều tuyến xe buýt không nằm trong quy hoạch ban đầu. Cụ thể, ngày 13/6, Sở GTVT đã đưa vào hoạt động tuyến xe buýt của số 23 của doanh nghiệp DNTN Vận tải DL&TM Thạch Thành, lộ trình từ thành phố Vinh đi xã Thanh Lâm (Thanh Chương), với cự ly tuyến 70km, tần suất 30 - 40 phút/chuyến.
Trước đó, ngày 11/5, Sở GTVT cũng đã công bố đưa vào hoạt động tuyến 02, cũng của doanh nghiệp này với lộ trình nội thành Vinh - Cửa Lò - xã Diễn Lâm (Diễn Châu) và ngược lại, tần suất từ 25 - 35 phút/chuyến.
Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu đưa vào khai thác, tuyến xe buýt 02 lại không hoạt động đúng lộ trình mà chạy theo tuyến Quốc lộ 1A đi thẳng ra Diễn Châu. Sau một thời gian rất ngắn đưa vào hoạt động, đến đầu tháng 6/2017, tuyến xe này đã “khai tử” vì doanh nghiệp cho rằng, lỗ nặng không thể bù được vốn.
Liên quan đến việc mở tuyến, ngày 21/4, Sở GTVT Nghệ An đưa vào khai thác tuyến 31 từ thành phố Vinh đi thị trấn Con Cuông, với tổng chiều dài 118km của Công ty TNHH Khanh Quỳnh. Tuyến này đi qua tuyến đường N5, không có trong quy hoạch ban đầu.
Tương tự, tuyến xe buýt số 32 với cự ly 110km từ thành phố Vinh đi trung tâm xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) của hãng Thạch Thành qua đường N5 cũng không nằm trong quy hoạch ban đầu, được đưa vào khai thác từ ngày 14/4/2017. Các tuyến xe buýt này được bổ sung vào quy hoạch theo Quyết định 6036 ngày 01/12/2016 của UBND tỉnh Nghệ An.
Tình trạng ký gửi hàng hóa bằng xe buýt vẫn chưa được kiểm soát. Ảnh: Hà Thư |
Nhiều bất cập trong quản lý
Liên quan đến việc đóng và mở tuyến xe buýt mới trong thời gian gần đây, người dân phản ánh về việc một số tuyến xe buýt được mở ra, khai trương rầm rộ nhưng chỉ hoạt động được một thời gian rất ngắn, đã âm thầm đóng tuyến, không thông báo rộng rãi khiến người dân có nhu cầu đi lại rất bị động, bất ngờ.
Đơn cử, tháng 3/2016, tuyến xe buýt số 12 lộ trình thị trấn Tân Kỳ đi thị xã Thái Hòa theo đường 15A được khai trương, nhưng sau một thời gian, tuyến xe buýt này đã lặng lẽ đóng tuyến.
Tuyến 23 xuất phát từ thành phố Vinh theo đường sinh thái ven sông Lam qua cầu Nam Đàn về thị trấn Dùng (Thanh Chương) sau một thời gian hoạt động không hiệu quả cũng đã được điều chỉnh lộ trình mới, bỏ hẳn lộ trình từ cầu Nam Đàn qua các xã Nam Tân, Nam Lộc (Nam Đàn), Thanh Lâm, Thanh Giang và Thanh Long (Thanh Chương), mà nhập vào Quốc lộ 46 tại thị trấn Nam Đàn, vốn đã có các tuyến 27 và tuyến 03 khai thác.
Tương tự, tuyến xe 27 Tân Phương Thảo lộ trình thành phố Vinh - thị trấn Anh Sơn và ngược lại, khai trương vào tháng 6/2015, sau khi khai thác thực tế, vì ế ẩm khách nên tuyến này đã được Sở GTVT chấp thuận rút ngắn lộ trình đến xã Cao Sơn thay vì lên thị trấn Anh Sơn.
Cùng được ưu ái như tuyến 27 là tuyến số 25 của Thạch Thành, lộ trình thành phố Vinh - Nông trường 19/5 xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) cũng được điều chỉnh rút ngắn lộ trình chỉ còn thành phố Vinh - Trung tâm xã Tây Hiếu.
Việc điều chỉnh này đã vô hình trung khiến cho tuyến xe buýt số 25 này trùng với tuyến xe số 26 của Công ty TNHH XD&TM Đông Bắc khi có lộ trình từ thành phố Vinh - xã Châu Quang (Quỳ Hợp) và ngược lại.
Hệ lụy là giữa hai nhà xe chạy tuyến này liên tục xảy ra tình trạng tranh giành khách, phóng nhanh, vượt ẩu, gây ra rất nhiều vụ tai nạn trên tuyến. UBND thị xã Thái Hòa đã phải có công văn gửi cơ quan chức năng, đề nghị vào cuộc chấn chỉnh.
Và điều đáng tiếc nhất đã xảy ra khi vào tháng 12/2016, trên Quốc lộ 48 đoạn giao cắt đường Hồ Chí Minh, tài xế xe buýt Thạch Thành đã điều khiển xe buýt không làm chủ tốc độ, gây ra tai nạn cuốn cán bộ thanh tra của xe buýt Đông Bắc vào gầm khiến anh này tử vong tại chỗ.
Thời gian gần đây, xe buýt Thạch Thành liên tục gây tai nạn chết người tại Nghệ An. Ảnh: Hà Thư |
Việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào khai thác các tuyến xe buýt, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân là việc làm cần thiết. Thế nhưng, làm thế nào để mạng lưới xe buýt đi vào hoạt động không xảy ra tình trạng trùng tuyến, chồng chéo lẫn nhau dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh như hiện nay lại là vấn đề cần được quan tâm.
Câu hỏi đặt ra là, trước khi mở tuyến xe buýt, cả doanh nghiệp vận tải lẫn Sở GTVT đã có sự tính toán, khảo sát và đã được thẩm định kỹ càng. Thế nhưng chỉ sau thời gian ngắn hoạt động, nhận thấy không mang lại lợi nhuận, doanh nghiệp đã tìm cách đóng tuyến.
Dư luận cũng đang thắc mắc, việc khai trương tuyến mới được công bố, tổ chức rầm rộ nhưng khi đóng tuyến lại diễn ra âm thầm, vô hình trung đánh đố cho người dân.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Nghệ An cho rằng, việc doanh nghiệp đóng tuyến xe buýt đã được công khai rộng rãi trên cổng thông tin điện tử của Sở GTVT Nghệ An. Tuy nhiên, khi chúng tôi vào tra cứu thì việc thông báo này chỉ đếm được trên đầu ngón tay, cá biệt như vào 26/4/2017, cái gọi là công bố rộng rãi này chỉ vỏn vẹn có dòng chữ “Thông báo đóng tuyến vận tải khách bằng xe buýt tuyến 23”, ngoài ra không có bất cứ thông tin gì thêm.
Về việc mở tuyến không nằm trong quy hoạch ban đầu, theo ông Nguyễn Việt Hùng thì các tuyến này đã được bổ sung vào quy hoạch và xuất phát từ nhu cầu đi lại của nhân dân nên khi doanh nghiệp đề xuất, Sở GTVT đã chấp thuận đầu tư.
Một chuyên gia về lĩnh vực vận tải cho rằng, việc quản lý nhà nước về kinh doanh xe buýt ở Nghệ An hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Ngoài việc “dễ dãi, ưu ái” với một số doanh nghiệp trong việc đóng và mở tuyến, việc cấp phép trùng tuyến cũng dẫn đến nhiều hệ lụy khi giữa các hãng có sự cạnh tranh không lành mạnh.
Thậm chí, lái xe vi phạm kỷ luật, bị hãng này sa thải, hãng kia lại nhận về và phân nhiệm vụ lái xe trùng với tuyến của hãng đã sa thải mình trước đó. Hệ lụy là cá nhân lái xe này đã có những hành vi trả đũa như tạt đầu, chèn ép, thậm chí là khiêu khích dẫn đến hai bên ẩu đả nhau, gây hoang mang cho hành khách.
6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh Nghệ An lực lượng CSGT đã phát hiện xử lý 261 trường hợp xe buýt vi phạm. Tạm giữ 12 xe buýt với các lỗi chủ yếu như: dừng xe, đón, trả khách không đúng nơi quy định, hoạt động không đúng hành trình, phương tiện chạy quá tốc độ… Qua đó, đình chỉ hoạt động một tháng (thu hồi phù hiệu) đối với 62 lượt xe buýt vi phạm tốc độ, chạy sai hành trình.
Tác giả: Hà Thư
Nguồn tin: Báo Nghệ An