Thể thao

Bản quyền truyền hình, giấc mơ của V.League

Thông tin có đơn vị ra giá cho bản quyền truyền hình V.League cao gấp 20 lần hiện tại khiến những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam khấp khởi mừng. Nếu điều đó trở thành hiện thực, các đội bóng sẽ thu về một khoản tiền kha khá, qua đó có thêm tài chính để trang trải cho các chi phí ngày càng tăng.

Từ ta nhìn qua người

Ngay khi V.League ra đời, các nhà hoạch định chiến lược cho bóng đá Việt Nam đã đưa tiền từ bản quyền truyền hình vào danh sách các nguồn thu lớn trong mỗi mùa giải. Chỉ sau vài ba năm chuyển sang mô hình bóng đá chuyên nghiệp, V.League đã thu được những khoản tiền truyền hình đầu tiên ở mùa giải 2005.

Nguồn thu ở lần đầu tiên này được cho là không nhiều nhưng nó cũng là dấu mốc đáng nhớ của giải bóng đá cấp CLB của Việt Nam. Tuy nhiên, có một thực tế là trong gần 20 năm qua, nguồn thu từ bản quyền truyền hình không có đột phá đáng kể.

Theo định giá, bản quyền truyền hình V.League những mùa giải gần đây vào khoảng 10 tỷ đồng/mùa. Dẫu vậy, giá trị ấy được thực hiện theo nguyên tắc “hàng đổi hàng”, có nghĩa các đài truyền hình trực tiếp các trận đấu ở V.League và được đổi lại thông qua việc quảng cáo các nhãn hàng tài trợ cho giải đấu được VPF ký kết.

Với những nền bóng đá phát triển như Anh, Tây Ban Nha, Đức, Italia… hay những giải đấu nhận sự chú ý lớn như World Cup, EURO…, nguồn thu từ bản quyền truyền hình là mối lợi lớn. Khi nhà tổ chức thu về khoản tiền kếch xù, các đội bóng tham dự tất nhiên cũng được hưởng lợi bởi được “chia phần” với một số tiền đáng kể.

Tất nhiên, những giải đấu kể trên có tầm phổ biến toàn thế giới. Khi công chúng quan tâm nhiều thì mức độ phủ sóng cũng diễn ra trên diện rộng với sự theo dõi của giới mộ điệu túc cầu ở hàng trăm quốc gia, lãnh thổ. Một khi tầm phổ biến rộng khắp thế giới thì mức độ quảng bá cho sản phẩm cũng rộng khắp nên giá trị bản quyền truyền hình cao là điều tất yếu.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhất là nếu đem đặt V.League bên cạnh các giải đấu trên. Nhưng nền bóng đá luôn thách thức vị trí số 1 của Việt Nam ở Đông Nam Á là Thai League đã làm được những điều khiến giới bóng đá Việt phải bất ngờ.

Theo công bố của Liên đoàn bóng đá Thái Lan vào tháng 9/2020, họ bán được bản quyền truyền hình của bóng đá Thái Lan trong 8 năm với số tiền lên đến 10 tỷ baht (khoảng 7 nghìn tỷ đồng ở thời điểm hiện tại). Có nghĩa, bản quyền truyền hình của Thai League thu về mỗi mùa vào khoảng 870 tỷ đồng. Nếu đem so sánh với bản quyền truyền hình V.League thì con số này quả thật đáng để mơ ước.

Các trận đấu ở V.League ngày càng được quan tâm nhiều hơn

Những tín hiệu lạc quan

V.League được định giá với số tiền rất khiêm tốn khiến những người làm công tác tổ chức giải đấu, cụ thể là Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) luôn đau đáu và hướng đến những giải pháp nhằm tăng giá trị hình ảnh của V.League. Tăng doanh thu từ bản quyền truyền hình là vấn đề được VPF và các CLB đưa ra để bàn thảo sôi nổi trong Hội nghị tổng kết mùa giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 2021 hồi tháng 10 năm ngoái.

Và trong phiên Đại hội thường niên của VPF được tổ chức vào tháng 11/2021, lãnh đạo đơn vị này đã tiết lộ một thông tin rất đáng mừng và đáng được chờ đợi. Theo đó, đã có một đơn vị đặt vấn đề mua bản quyền truyền hình V.League cao gấp gần 20 lần so với hiện tại, kéo dài trong 5 năm từ 2023 đến 2028.

Nếu lấy con số 10 tỷ đồng như dự đoán của nhiều người, số tiền bản quyền truyền hình trong tương lai sẽ tăng lên gần 200 tỷ đồng. So với Thai League thì vẫn là con số khiêm tốn, nhưng đó là bước đột phá về nguồn thu của bản quyền truyền hình V.League.

Tất nhiên, việc đặt vấn đề và ký hợp đồng để mua bản quyền truyền hình V.League vẫn còn ở thì tương lai, nhưng đó là tín hiệu lạc quan. Con số ấy cho thấy, bản quyền truyền hình V.League rất có giá trị. Vấn đề là trong thời gian qua, bởi những lý do khác nhau, nó chưa được khai thác đúng mức để có thể mang về một nguồn thu lớn cho VPF cũng như các đội bóng. Nếu có số tiền 200 tỷ đồng, các đội bóng chắc chắn sẽ được chia một số tiền đáng kể, qua đó góp phần nâng cao nguồn tài chính để đảm bảo tốt hơn cho các mục chi tiêu trong một mùa giải.

Nhưng trước khi chờ đợi hợp đồng bản quyền truyền hình trên trở thành hiện thực, VPF và các đội bóng cũng phải cải thiện về cơ sở vật chất để làm đẹp hơn hình ảnh của giải đấu. Thai League bán được bản quyền truyền hình cao ngất ngưởng một phần cũng nhờ sân đẹp, tiện nghi và họ biết cách để biến địa điểm tổ chức các trận đấu thành những sân khấu rất bắt mắt, có sức hút lớn.

Một tín hiệu lạc quan là trong vài mùa giải gần đây, nhiều đội bóng ở V.League đã đầu tư để nâng cấp mặt sân, các công trình phụ giúp các cầu thủ dễ dàng phô diễn kỹ thuật, lối chơi. Cũng ở Đại hội thường niên hồi cuối tháng 11 vừa qua, VPF đã thông báo đến các đội về việc đầu tư nâng cấp cabin huấn luyện và khu vực ngồi của trọng tài bàn ở các sân đấu có đội dự V.League. Mục đích của những thay đổi này là làm đẹp hình ảnh, nâng cao giá trị V.League lên cao hơn nữa. Một sân thi đấu lung linh, đẹp mắt cũng sẽ góp phần giúp bản quyền truyền hình của V.League có giá trị cao.

Tác giả: Hồng Quảng

Nguồn tin: bongdaplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP