Kinh tế

Bán mấy củ sâm Ngọc Linh, mua nhà phố cho con đi học

Cả đời thiếu cái chữ, vì thương 4 đứa con không có trường lớp để học ở nơi miền rừng heo hút, “lão nông” đại gia Hồ Văn Bông (40 tuổi, ở thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) lẳng lặng đào 5kg sâm và bán 6.000 cây sâm giống, lấy nửa tỷ đồng ôm tiền xuống phố mua nhà cho con đi học.

“Lão nông” đại gia nơi miền sâm

Nhiều "lão nông đại gia" nơi miền sâm Ngọc Linh đều ở tuổi U40, nhưng khối tài sản của họ khó ai sánh kịp. Với họ, tiền không là vấn đề phải suy nghĩ. Mà, làm gì với số tiền tỷ trong tay đang cất giữ giữa rừng, những vườn sâm triệu USD, mới là quan trọng.

Lão nông Hồ Văn Bông nhẩm tính, vườn sâm mà vợ chồng ông âm thầm trồng giữa rừng hơn 15 năm nay, với hơn 10.000 gốc sâm Ngọc Linh nếu thu hoạch cũng được hơn 1,4 tấn. Với giá sâm bình quân 70 triệu đồng/kg cho loại sâm từ 10 năm tuổi trở lên thì đã ông có trong tay trên 100 tỷ đồng.

“Nếu để càng nhiều tuổi thì sâm giá trị càng cao và giá lên đến 100 triệu đồng kg", ông Bông nói.

1 s 3
Vườn sâm trong rừng Ngọc Linh.

Về chuyện trồng sâm, ông Bông kể, sau khi dự án trồng sâm của tỉnh và huyện được Chính phủ phê duyệt, có nhiều doanh nghiệp từ các nơi lên khảo sát mua đất để trồng nên giống sâm bây giờ rất khan hiếm.



Hiện mỗi cây giống 1 năm tuổi có giá 150.000 đồng. Chỉ tính riêng vườn sâm của vợ chồng ông Bông, mỗi năm thu hái hạt rồi ươm cây giống, đã thu hơn 300 triệu đồng.

“Đã có nhiều đại gia lên xem vườn sâm và đề nghị sang nhượng với giá 100 tỷ đồng nhưng mình không bán. Để thêm 5 năm nữa, ít ra cũng thu được hơn 200 tỷ đồng", ông Bông cho biết.

Theo lời ông Bông, vườn sâm của ông chẳng là gì so với hàng chục vườn sâm khác của bà con trong làng. “Ở trên này, nhà ai cũng có vườn sâm như của để dành cho con cháu. Nhà ít cùng vài nghìn gốc, nhiều đến vài chục nghìn gốc. Cách đây hơn 10 năm, sâm Ngọc Linh rẻ như khoai sắn. Nhưng kể từ khi cây sâm tự nhiên bị săn lùng không còn nữa, sâm của bà con mình trồng và bảo vệ trên rừng có giá nên ai cũng có tiền tỷ trong tay”, ông Bông tiết lộ.

2 s 2
Gia đình ông Bông và 4 đứa con trong căn nhà mới mua ở trung tâm huyện để cho con đi học.

Hỏi ai là người giàu nhất ở vùng núi Ngọc Linh, ông Bông bấm đốt ngón tay và bảo: "Nhiều lắm không kể hết". Vườn sâm của anh Hồ Văn Hình, Hồ Văn Du, Hồ Văn Dê, Nguyễn Văn Lượng,... mỗi vườn có 100.000 đến 130.000 gốc từ 5-20 năm tuổi, nếu thu hoạch cho 300-500 tỷ đồng.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch huyện Nam Trà My, nói thêm, tại xã Trà Linh có 500 hộ thì đến 95% trồng sâm. Mỗi hộ dân sở hữu hàng nghìn gốc sâm Ngọc Linh có giá trị hàng trăm tỷ đồng. “Nhà ít thì trồng khoảng một nghìn gốc sâm. Nếu bây giờ nhổ hết bán hầu như nhà nào ở xã Trà Linh cũng có tiền tỷ”, ông Bửu nói.

Bán sâm mua nhà phố cho con đi học

Chuyện lão nông đại gia Hồ Văn Bông mang nửa tỷ đồng tiền bán sâm Ngọc Linh xuống trung tâm huyện Nam Trà My mua nhà phố cho con đi học đã trở thành một điển hình của lớp nông dân đại gia kiểu mới, khiến nhiều người khâm phục cách nghĩ, cách làm.

3 s 1
Ngoài mua nhà, ông Bông còn sắm máy vi tính để giúp con học tốt hơn.

Hỏi tại sao không mua ô tô, xây nhà kiên cố như bao đại gia sâm khác, ông Hồ Văn Bông cười bảo: “Xây cái nhà to, mua cái ô tô cũng thích. Nhưng cả hai vợ chồng mình suốt ngày ở vườn sâm trong rừng, xây cái nhà to, mua cái ô tô để làm chi”.

Ông Bông giải thích chuyện mua nhà không cần trả giá vì thấy ưng cái bụng thì mua, mà mua nhà cho 4 đứa con xuống ở học hành thì có đắt chút cũng không sao, miễn là có chỗ ở đàng hoàng.

"Đến giờ không lo nghèo nữa mà lo làm giàu, kiếm nhiều tiền để lo cho 4 đứa con ăn học rồi dựng vợ gả chồng và kiếm việc làm nữa. Tiền thì không thiếu, chỉ lo thiếu cái chữ nên phải quyết cho con đến trường".

Ông Bông khẳng định: nếu các con của ông tiếp tục học tốt ở huyện, hết cấp 3 xuống Tam Kỳ hay ra Đà Nẵng thậm chí vào Sài Gòn học đại học thì ông cũng tiếp tục mua nhà hoặc đất để làm nhà cho con ở, thuận tiện việc học hành.

4 s 7
Đoàn khảo sát triển khai dự án sâm Ngọc Linh đã được Chính phủ phê duyệt.

Trưởng thôn 2, xã Trà Linh là ông Hồ Văn Do, nói rằng hiện ở xã Trà Linh có hàng trăm nông dân giàu có từ việc trồng sâm. Nhưng đầu tư việc học cho con cái chỉ có gia đình ông Bông. Đó là tấm gương rất đáng quý và cần nhân rộng. Ngay tại thôn 2 có khá nhiều hộ nắm hàng trăm tỷ trong tay nhờ cây sâm nhưng con em họ lại nghỉ học giữa chừng.

Ông chủ tịch huyện Nam Trà My tâm sự: “Nhờ trồng sâm và bảo tồn được nguồn gen quý hiếm của cây sâm, hàng trăm nông dân Trà Linh có trăm tỷ nhờ những vườn sâm trồng bí mật trong núi, và cũng chính họ, vừa biết làm giàu vừa biết lo đầu tư sự học cho con cái như ông Bông".

Ngoài ra, có hơn 30 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang lập dự án trồng sâm tại Ngọc Linh với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Tác giả bài viết: Vũ Trung - Hoàng Thọ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP