Buổi tối định mệnh
Vụ thảm sát hoàng gia Nepal xảy ra vào ngày 1/6/2001, tại một ngôi nhà nằm trong khuôn viên của Cung điện hoàng gia Narayanhity. Vào buổi tối hôm ấy, cuộc họp hoàng gia được tổ chức theo thông lệ hàng tháng.
Cuộc họp lần này chủ yếu nhắm vào vấn đề kết hôn của Thái tử Dipendra vốn là vấn đề gây căng thẳng giữa Thái tử và Nhà vua Birendra trong nhiều tháng qua. Lúc gần 23 giờ, Thái tử xin rời phòng ăn và nói là đã quá chén. Một lúc sau, thần chết đã gõ cửa hoàng gia Nepal trong sự ngỡ ngàng và kinh hãi của mọi người.
Đại úy quân y, Rajiv Shahi, em của cố Quốc Vương Birendra là một trong những người chứng kiến sự việc kinh hoàng lúc bấy giờ. Shahi kể: "Khoảng 23 giờ tôi nghe thấy một tiếng súng nổ. Tôi nghĩ có người nào đó chơi nhưng có tiếng la hét và tôi nghe có người nói Hoàng thượng bị bắn".
Shahi nói ông ở cuối phía bắc của phòng khi nghe súng nổ, Nhà vua ngã xuống gần một bàn bida ở cuối đầu phía nam của phòng. Ông nói: "Vì là bác sĩ, tôi chạy tới cởi áo khoác của tôi và chăn lên cổ ngài nơi máu không ngừng chảy. Lúc này Hoàng thượng nói ông còn bị bắn vào bụng nữa".
Hai con gái của nhà vua là công chúa Shruti và em gái, công chúa Shobhi, chạy tới bên vua cha và cũng bị bắn. Shruti bị chết ngay tại chỗ, trong khi Shobhi may mắn sống sót.
Bác sĩ Shahi nói ông thoát qua một cửa sổ để kêu cứu, nên không biết rõ còn có những ai bị bắn hạ. Theo tờ Nepali Times, trong những người xấu số vào buổi tối định mệnh ấy, ngoài vua Birendra, công chúa Shruti còn có Hoàng hậu Aishwarya, Hoàng tử Narajan, công chúa Shanti, anh trai vua Birendra, hai em gái của nhà vua và em rể đức vua, Kuma Khadga bị sát hại. Tổng cộng có 9 người trong hoàng tộc thiệt mạng sau vụ nổ súng kinh hoàng trong đêm.
Đức vua, Hoàng hậu, Thái tử, Hoàng tử và công chúa của Hoàng gia Nepal.
Hoàng tộc Nepal đã trải qua một thảm kịch đẫm máu.
Cung điện hoàng gia Narayanhity, nơi diễn ra cuộc thảm sát.
Tranh cãi xung quanh vụ thảm sát hoàng gia
Hai ngày sau vụ thảm sát, hầu hết các thành viên trong gia đình hoàng tộc Nepal, các quan chức Nepal vẫn chưa đưa ra được lời giải thích ai là người thực sự phải chịu trách nhiệm.
Thông báo chính thức mà cung điện đưa ra sau một ngày vụ thảm sát chỉ cho biết vua Birendra và những người khác qua đời khi một vũ khí tự động đột nhiên phát nổ bên trong lâu đài Hoàng gia ở Kathmandu, mà không hề đề cập đến chi tiết ai đang cầm vũ khí đó. Thái tử Dipendra (lúc này cũng bị thương đang nằm việc để điều trị) trở thành vua và chú của ông ta, hoàng thân Gyanendra, được chỉ định làm nhiếp chính.
Tuy nhiên, Thái tử Dipendra đã qua đời chỉ vài ngày sau khi lên ngôi vua. Và cũng từ đây, nhiều người cho rằng vụ thảm sát trên có thể là một âm mưu chính trị, khi đặt vấn đề tại sao Hoàng thân Gyanendra không hiện diện tại buổi gặp mặt. Còn con trai của hoàng thân này, Para Shas, lại rời khỏi phòng chỉ ít lâu trước khi vụ thảm sát xảy ra. Với việc tân vương qua đời, ngôi vua sẽ được chuyển giao qua Hoàng thân Gyanendra, theo thứ tự ưu tiên.
Theo Nepalnews, nếu Gyanendra trở thành vua, đây sẽ là lần thứ hai ông lên ngai vàng. Hồi tháng 11/1950, Thủ tướng Nepal đã đưa ông lên làm vua, khi ông mới 4 tuổi, vì Vua Tribhuvan và Vua Mahendra đã bí mật rời Kathmandu đi Ấn Độ. Hai người này đã trở lại tháng 2 năm 1951, để phục hồi Vương triều Shah ở Nepal.
Di ảnh của Đức vua Birendra và Hoàng hậu Aishwarya.
Hàng trăm nghìn người đứng chờ linh cữu Quốc vương, Hoàng hậu và các thành viên trong hoàng tộc rước dọc theo các con đường chật hẹp. Nhiều người nức nở khi chứng kiến cảnh tang thương đó. Số còn lại đứng lặng, dõi nhìn như thể sẽ không quên được thảm kịch quá đỗi bất ngờ này.
Theo phong tục của người Hindu, lễ hoả táng phải được tiến hành nhanh chóng. Người dân tham dự lễ tang đã cạo trọc đầu và đất nước này trải qua 13 ngày quốc tang.
Không khí tang thương bao trùm quốc gia Nepal lúc bấy giờ và nhiều thông tin cho rằng đã có một bí mật bao trùm lên hoàng gia vì hung thủ của vụ án này là người không ai ngờ đến và ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của quốc gia lúc bấy giờ. Vậy ai là thủ phạm dám cả gan gây ra cái chết cho hoàng tộc?
Không khí tang thương bao trùm quốc gia Nepal.
Người dân chứng kiến lễ hỏa táng của Đức vua, Hoàng hậu cùng những người khác trong hoàng tộc.
Người dân Nepal chăm chú theo dõi tin tức xung quanh vụ thảm sát hoàng gia.
Tác giả bài viết: hongnam/theo Hồng Nam (Tổng hợp)