Du lịch

Phong tục mai táng trên cây của người Tây Tạng

Nơi thụ táng nằm trong rừng, trên mỗi cây treo đầy những chiếc giỏ và thùng gỗ chứa thi thể.

Tây Tạng nằm ở phía đông bắc Ấn Độ, là nơi có dân cư chủ yếu sinh sống ở độ cao khoảng 5.000 m so với mặt nước biển. Ở vùng cao nguyên này, khí hậu khắc nghiệt nên người ta không thể tiến hành chôn cất người chết dưới lớp đá cứng hay băng lạnh. Đất đai thì đắt đỏ và việc hỏa táng cũng rất khó khăn khi gỗ cây, nhiên liệu đốt khan hiếm. Chính vì vậy, thụ táng (lộ thiên táng) là nghi thức mai táng phổ biến nhất nơi đây.

Người Tây Tạng có một mảnh rừng chuyên tiến hành thụ táng, được coi là nơi thanh tịnh và linh thiêng nhất khu rừng. Trên mỗi cây treo đầy những chiếc giỏ và thùng gỗ chứa thi thể của trẻ sơ sinh.

Thùng gỗ bên trong đặt thi thể đứa trẻ được treo chắc chắn trên một cây cành lá xum xuê tươi tốt. Ảnh: Wtoutiao

Thụ táng là hình thức mai táng cổ xưa kỳ dị của người Tây Tạng còn duy trì đến ngày nay, thường được tiến hành đối với những đứa trẻ dưới 1 tuổi. Người ta dùng muối ăn và bơ quết vào tay, mắt, miệng rồi quấn thi thể của đứa trẻ bằng chăn hoặc tã, đặt vào một chiếc giỏ tre hay thùng gỗ. Sau khi chọn được giờ tốt, người nhà sẽ mang giỏ này vào trong rừng, chọn một cây lớn cành lá xum xuê rồi treo lên làm nơi an nghỉ cho đứa trẻ chết yểu. Trong suốt quá trình nghi lễ diễn ra, cha mẹ của đứa trẻ hoàn toàn không được tham gia vào.

Theo quan niệm của người Tây Tạng, trẻ sơ sinh chưa phải tiếp túc với những điều thiện ác nên linh hồn của chúng thuần khiết và trong sáng nhất. Vì vậy, nghi lễ thụ táng giúp cho chúng được "rời khỏi nhân gian một cách thuần khiết" và hy vọng kiếp sau chúng sẽ lớn lên khỏe mạnh, rắn chắc như những cây cao trong rừng.

Có bốn loại thụ táng: treo thi thể lên cây, buộc thi thể vào cây, gác thi thể lên cây và đặt thi thể vào hốc cây, trong đó treo thi thể lên cây là hình thức thụ táng có nguồn gốc lâu đời nhất. Nó còn rất phổ biến ở các dân tộc Oroqen, Dao hay Loba. Người ta tin rằng sau khi những đứa trẻ chết, linh hồn của chúng không bị tiêu tan mà sẽ hóa thành những ngôi sao trên trời, vì vậy ở hai đầu mỗi chiếc giỏ tre hoặc thùng gỗ, họ cài hai thanh gỗ thẳng để dùng làm cánh giúp chúng bay lên trời được nhanh và nhẹ nhàng hơn.

Thụ táng chủ yếu được tiến hành với trẻ sơ sinh. Ảnh: Wtoutiao

Hiện nay trên thế giới, ngoài Tây Tạng cũng có một số dân tộc ít người khác ở Australia, New Guinea, Bắc Mỹ, Bắc Á... vẫn còn tồn tại nghi lễ thụ táng kỳ bí này.

Tác giả bài viết: Ngọc Mai

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP