Lễ hiến tế được gọi là Eid el-Adha hay Eid el-Kebir trong tiếng Ả Rập và Kurban Bayrami trong tiếng Thổ, là một trong những kỳ nghỉ lâu đời nhất của người Hồi giáo ở đất nước nằm giữa hai châu lục Á Âu. Nguồn gốc của Kurban Bayrami bắt đầu từ câu chuyện về nhà tiên tri Ibrahim (Abraham) phục tùng hoàn toàn thần thánh bằng việc hiến dâng con trai của mình. Vị thánh sau đó gửi một con cừu đực cho Ibrahim để hiến tế thay.
Kurban Bayrami diễn ra sau ngày cuối cùng của tháng chay Ramadan hoặc có thể thể tính từ ngày thứ 10 của tháng Dhu al-Hija trong lịch Hồi giáo. Các tín đồ đạo Hồi bắt đầu sử dụng cách đếm ngày tháng này từ năm 622, thời điểm mà nhà tiên tri Muhammed (theo cách đọc của người Thổ) di chuyển từ Mecca về Medina.
Những con cừu đực là biểu tượng của lễ hiến tế. Ảnh: haberaker |
Theo niềm tin xa xưa, người ta cho rằng không may mắn để cưới hay bắt đầu việc kinh doanh trong thời gian diễn ra lễ hiến tế. Thay vào đó, ngày đầu tiên của dịp lễ này, những người đàn ông đến đền thờ Hồi giáo để tham dự buổi lễ đặc biệt vào sáng sớm và sau đó sẽ đến lễ hiến tế. Tại nhiều vùng ở Thổ Nhĩ Kỳ, người ta vẽ lên hình những súc vật được hiến tế bằng henna (một loại mực vẽ rất phổ biến ở Trung Đông) và cột ruy-băng vào cổ chúng.
Những con cừu đực là biểu tượng của lễ hiến tế, ngoài ra người ta còn sử dụng dê, bò hay lạc đà ít nhất 2 năm tuổi để dùng làm vật hiến. Người chịu trách nhiệm hiến tế đọc một đoạn cầu kinh trước khi xuống tay. Các gia đình thường chia 2/3 phần thịt cho họ hàng và hàng xóm đồng thời dành 1/3 còn lại cho người nghèo. Tất cả ý nghĩa của lễ hội hiến tế gói gọi trong 2 từ thiện nguyện và cộng đồng.
Ngày nay, việc giết gia súc ngay trong vườn nhà bị cấm. Có những cơ sở được cấp phép đặt trong từng thành phố, thị trấn để làm việc này. Những nhân viên thực hiện việc mổ gia súc đều được đào tạo. Họ sẽ làm sạch, đóng gói thịt theo yêu cầu của từng gia đình.
Trong những năm trở lại đây, người Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu ủng hộ cho các tổ chức từ thiện thay vì giết gia súc. Sau khi quyên góp tiền cho các tổ chức như Türk Hava Kurumu, nhân viên sẽ chịu trách nhiệm phân bổ hợp lý cho những người xứng đáng được nhận. Người Thổ cũng dành thời gian để trực tiếp giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn trong dịp này.
Lễ hiến tế là dịp mà mọi người mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Họ đón chào khách đến nhà và ghé thăm họ hàng, bạn bè trong dịp này. Vì lũ trẻ được mặc quần áo mới, những bộ cũ được giặt sạch và sau đó tặng lại cho các em nhỏ nghèo khó.
Nhiều người Thổ hẹn gặp những người thân thiết nhất trong ngày đầu tiên của lễ hội hiến tế. Người trẻ thì đến gặp người già, nắm và hôn lên tay họ như một cách bày tỏ lòng kính trọng. Ngoài ra, nhiều gia đình ở Thổ Nhĩ Kỳ còn chọn 4 ngày này để đi du lịch.
Trong dịp này, các cơ quan nhà nước, trường học, ngân hàng, bưu điện thường đóng cửa. Siêu thị và các cửa hàng có thể mở cửa vào thời gian đặc biệt.
Ngày bắt đầu của lễ hiến tế cũng trùng với Hajj, cuộc hành hương hàng năm đến Mecca. Ảnh: theguideistanbul |
Các phương tiện giao thông công cộng cũng giảm tần suất và giá rẻ hơn. Cao tốc đông người đi lại hơn. Ngày bắt đầu của lễ hiến tế cũng trùng với Hajj, cuộc hành hương hàng năm đến Mecca. Các chuyến bay nội địa và quốc tế vì thế cũng được tăng tần suất. Nếu ở Istanbul, bạn sẽ chứng kiến bến xe trung tâm có khoảng 2.200 chuyến lăn bánh trong một ngày để kịp đưa mọi người về với gia đình.
Lễ hiến tế là dịp người Thổ tĩnh lại một chút. Những người không đi đền thờ Hồi giáo thường xuyên cũng cố gắng tham gia buổi lễ sớm vào ngày đầu tiên của Bayram. Bước ra khỏi cửa, bạn sẽ thấy những nụ cười thân thiện, em nhỏ cúi đầu chào và hôn tay người già, những người lớn bắt tay và chạm đầu vào nhau.
Tác giả bài viết: Hoài Nam