Sau nhiều lần nghe bạn bè giới thiệu “cơm cháy hủ tiếu” có một không hai trong làng ẩm thực Bạc Liêu, chúng tôi liền tìm đến tận nơi để khám phá và thưởng thức một lần cho biết.
Vừa bước vào quán, tôi đã thoáng nghe tiếng xèo xèo và mùi mỡ hành bốc lên thơm phức khiến cảm thấy thèm ăn trỗi dậy. Cái mùi thơm ấy đã làm tôi nhớ lại ký ức từ cái thời còn cắp sách đến trường. Ngày ấy, cứ mỗi lần mẹ tôi xào hủ tiếu là tôi liền vô bếp xin cạo mấy miếng hủ tiếu dính dưới đáy chảo cho vào miệng nhai một cách ngon lành.
Thế là lần này, tôi tò mò đứng lại theo dõi chị đầu bếp ở quán đang trở qua trở lại giề hủ tiếu giống như miếng cơm cháy màu vàng hượm, đang bốc khói ngùn ngụt, tỏa hương vị ngạt ngào, quyến rũ.
Một lát sau, anh chủ quán mang ra cho tôi một đĩa, gồm miếng hủ tiếu cháy vàng óng ả nằm bên trên. Phía dưới là hủ tiếu xào. Nếu như các bạn không thích hủ tiếu xào thì gọi nguyên dĩa cơm cháy cũng được. Tôi cố tình nhai thật chậm miếng hủ tiếu giòn rụm để cảm nhận cái hương vị đặc biệt của nó. Đúng là ngon, nó mềm hơn cơm cháy gạo và lạ nhất là vừa giòn vừa thơm, vừa béo vừa ngọt nhẹ. Khi nhai cơm cháy, tôi có cảm giác thư giãn, sảng khoái và vô cùng thú vị. Giữa hai lớp cơm cháy còn được độn một lớp nhưn (nhân) bằng củ sắn xắt nhỏ giống như nhưn bánh xèo, càng làm tăng thêm khẩu vị trong bữa ăn.
Món ăn này thật đơn giản, dung dị, toàn hương đồng cỏ nội nhưng nó có một sức hấp dẫn lạ kỳ. Có lẽ nhờ bàn tay tỉ mẫn và khéo léo của người đầu bếp biết sử dụng gia vị và nghệ thuật xào hủ tiếu thành cơm cháy, đủ sức kích thích vị giác, khiến cho người ăn cảm thấy ngon nhờ vừa miệng, không quá béo, cũng không quá ngọt và mặn. Ăn rồi, tôi còn muốn mua thêm một giề hủ tiếu cơm cháy để mang về nhà.
Tác giả bài viết: Phúc Lộc