Giáo dục

6 năm vẫn nhận lương hợp đồng 1,2 triệu/tháng, thầy giáo bỏ nghề, lên núi ẩn cư

Sau 6 năm nhận đồng lương hợp đồng 1,2 triệu đồng/tháng, thầy giáo N.M.T quyết định bỏ nghề, lên núi ở ẩn.

Sáng thứ Năm, thầy N.M.T, giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức (Hà Nội) dậy thật sớm để chuẩn bị cho ngày đặc biệt, buổi dạy học cuối cùng sau 6 năm thầy T. làm nghề giáo viên.

Trên chiếc bàn làm việc đầy ắp kỷ niệm, thầy T. miệt mài soạn giáo án. Vừa viết, thầy vừa khóc. Trên trang giáo án nhòe mực vì nước mắt, thầy T. cẩn thận ghi những dòng trân quý, “thương gửi thanh xuân, 6 năm tại ngôi trường này biết bao kỷ niệm”.

Trong tiết học cuối cùng, có đôi lúc thầy T. dừng lại vì nghẹn ngào. Thầy quay mặt đi để tránh học trò nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe. Thầy bấm bụng nói từng chữ: “Nếu thầy nghỉ dạy, các em có còn nhớ thầy không?”. Đám học trò ngơ ngác nhìn nhau, rồi bắt đầu có câu hỏi ngập ngừng: “Thầy xin nghỉ dạy à thầy?”.

“Ừ, thầy xin nghỉ”. Không khí trong lớp trở nên im ắng hơn. Thầy T. chủ nhiệm lớp được 3 năm. Tụi nhỏ thương thầy rất nhiều vì thầy hiền lành, tốt bụng, hòa đồng.

Buổi học kết thúc trong nước mắt với những cái ôm và những lời tạm biệt. Thầy T. vẫn giữ thói quen đảo nhanh một vòng quanh lớp, nhặt rác còn sót lại, tắt đèn, đóng cửa; khép lại quãng thời gian thanh xuân tại ngôi trường này, đủ dài để thương nhớ.

(Ảnh: V.N)

6 năm trước, thầy T. khi đó vừa tốt nghiệp Sư phạm chuyên ngành Toán - Tin, xin về giảng dạy tại một ngôi trường gần nhà. Cầm tấm bằng trong tay, thầy mong chờ từng ngày được đứng trên bục giảng, hoàn thành ước nguyện bấy lâu nay của gia đình và bản thân.

Từ đó đến nay, thầy T. đi dạy với thân phận giáo viên hợp đồng. Không phải vì chuyên môn thầy không tốt mà vì cơ hội để vào biên chế như khe cửa hẹp, không phải ai cũng có thể chen vào được.

Năm đầu, nhận đồng lương 1,2 triệu đồng/tháng (thấp hơn mức lương tối thiểu), thầy vẫn vui vẻ vì nghĩ rằng được làm nghề mình thích đã là vui. Chuyện lương thưởng thầy nghĩ rồi sẽ tốt hơn.

Năm thứ hai, thầy gắn bó với mái trường như ngôi nhà thứ hai của mình. Sau mỗi buổi dạy học, thầy lại cùng học trò ca hát, chơi thể thao. Mặc dù vui là thế nhưng mức lương thầy nhận vẫn vậy. Thầy tặc lưỡi, mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi.

Đến năm thứ tư, thầy được phân công làm chủ nhiệm lớp. Lương không tăng mà công việc thì nhiều gấp 3, gấp 4. Có thời gian, thầy ốm nặng nhưng vẫn phải đến trường hoàn thành sổ sách, giáo án. Thầy bảo, giáo viên hợp đồng nếu không cố gắng thì rất khó được vào biên chế. Dù mệt, ốm, thầy vẫn phải làm.

Không may là thời điểm đó huyện Mỹ Đức không tổ chức thi tuyển viên chức hoặc nếu tuyển thì trường lại không có chỉ tiêu. Thầy đi dạy với đồng lương ít ỏi và vẫn vui vẻ khi đứng lớp. Thế nhưng sau mỗi giờ tan làm, bố mẹ thầy thường nghe thấy tiếng con trai thở dài. Thầy thấy lo lắng cho tương lai.

Năm thứ năm, 27 tuổi, bạn bè khuyên thầy sao không bỏ nghề mà tìm công việc khác hoặc đi dạy thêm. Với chuyên môn của thầy hoàn toàn có thể dạy thêm tại nhà kiếm thêm thu nhập. Thầy nói, nếu dạy thêm cũng chẳng có học sinh nào đi học vì nông thôn khó khăn, dạy miễn phí học sinh còn không đi huống chi thu tiền.

Năm thứ sáu, thầy T. 28 tuổi, chưa vợ con và vẫn đi dạy và là giáo viên hợp đồng.

Nhiều giáo viên hợp đồng vẫn đang nhận mức lương không đủ tiền xăng xe. (Ảnh:V.N)

Để minh chứng cho điều khó tin trên, thầy T. đưa cả bảng lương, sổ bảo hiểm và nói mỗi nơi trả một kiểu nhưng huyện Mỹ Đức trả từ 1 đến 1,2 triệu đồng/ tháng. Giáo viên thỉnh giảng trung bình nhận 20.000 đồng/tiết. Thu nhập này chẳng đáng là bao nếu không nói là không đủ tiền xăng xe.

Thầy T. quyết định bỏ nghề, trước mắt thầy vào miền Nam, lên núi ở ẩn. "Nếu có duyên nương nhờ cửa Phật thì tôi không ra ngoài Bắc nữa. Làm giáo viên hợp đồng lương thấp, thực sự không sống nổi", thầy nói và cho biết không chỉ anh mà rất nhiều giáo viên hợp đồng khác cũng như vậy, có giáo viên hết thười gian trên lớp là đi làm thêm bên ngoài.

Tác giả: VŨ NINH

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP