Người lang thang đi xin có ở nhiều con phố trung tâm, chợ, quán hàng...
Nếu như trước đây, hình ảnh người ăn xin thường ăn mặc rách rưới, hay người tàn tật lê la tại các địa điểm tập trung đông người, thì thời gian gần đây, hình thức ăn xin cũng ít nhiều biến tướng và thay đổi. Thay vì xin thì nay lại là bán hàng, đây là hình thức phổ biến hiện nay… Kẹo cao su, tăm hay bông xoi tai… là những mặt hàng thường được sử dụng. Chị Trần Thị Hải Lê nói: Có lần đi chợ, họ vào xin, em mua cho họ gói bánh nhưng họ ko lấy, chỉ lấy tiền thôi.
Chưa hết, nếu như người ăn xin thường là người già, người đi bán các đồ lặt vặt là trẻ nhỏ hoặc những phụ nữ với chiếc xe đẩy có những đứa trẻ nhỏ luôn ngủ li bì, thì nay, nhiều tuyến đường ở thành phố còn có hình thức hát rong xin tiền, mà đối tượng thì thường là những thanh niên cao to sức dài vai rộng… Và thời gian làm việc thì chủ yếu là đầu giờ buổi sáng hay cuối giờ buổi chiều, khi các quán nhậu tập trung đông người…
Thậm chí còn tụ tập thành nhóm...
Làm sao để phân biệt được đâu là ăn xin tự do và đâu là ăn xin có tổ chức và được chăn dắt. Năm mười nghìn hay dăm ba chục thì không là nhiều nhưng quan trọng là lòng tốt phải được đặt đúng chỗ và không vô tình tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng những người kém may mắn và coi ăn xin như là một công cụ để kinh danh bằng tình thương của người khác. Đó là những tâm sự được chia sẻ của nhiều người khi PV hỏi về vấn nạn người lang thang.
"Gánh hát rong" tự nhiên giữa phố phường
Để trở thành một đô thị thân thiện và văn minh, thời gian qua, TP Vinh đã từng có kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn, hỗ trợ để họ về với địa phương hoặc vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Thế nhưng, phương án này không phát huy hiệu quả. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, toàn thành phố có 128 người lang thang. Con số này chắc chắn là chưa chính xác, bởi đó mới chỉ là thống kê theo thời điểm và số người ăn xin trên địa bàn thành phố sẽ phát sinh theo từng ngày.
Tác giả bài viết: Cẩm Thuỳ