Xe

Xe Trung Quốc và tham vọng vươn sang phương Tây

Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang dựng lên kế hoạch bán xe tại châu Âu và Mỹ, vượt qua những định kiến tồn tại nhiều thập kỷ.

Cải tiến thiết kế, công nghệ và marketing giúp các nhà sản xuất ôtô Geely, GAC Motor và Great Wall Motor chiếm thị phần lớn tại thị trường quê nhà, làm bệ phóng lớn cho tham vọng lấn chiếm hai thị trường lớn châu Âu và Mỹ.

Tham vọng bán xe tại phương Tây đã được các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc nhen nhóm hơn 1 thập kỷ. Ảnh: Motorauthority.

"Phương Tây đang tỏ ra kiêu ngạo thái quá trong ngành ôtô. Chúng tôi nghĩ rằng mình đang đi trước, và chính điều này sẽ làm thay đổi cục diện", Alain Visser, Phó Chủ tịch cấp cao của Lynk & Co, một thương hiệu con của tập đoàn Geely.

Geely là tập đoàn sở hữu 2 thương hiệu lớn, là Volvo và Lotus. Họ tham vọng bán xe ở thị trường châu Âu vào năm 2019 và một năm sau đó là Mỹ. Thương hiệu Lynk & Co là mũi nhọn của cuộc tấn công.

Geely dự định chỉ bán xe hybrid, plug-in hybrid và xe điện ở phương Tây thông qua các cửa hàng chính hãng và trực tuyến, thay vì mô hình nhượng quyền thương mại như truyền thống. Bên cạnh đó, hãng xe Trung Quốc sẽ đẩy mạnh dịch vụ cho thuê xe, loại hình được cho là sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

GAC Motor là công ty con của Guangzhou Automobile Group - hiện hợp tác với Honda Motor, Toyota Motor và Fiat Chrysler tại Trung Quốc. Tương tự đồng hương Geely, GAC Motor cũng đang thực hiện kế hoạch bán xe tại thị trường Mỹ vào năm 2019. Nhưng công ty này chọn hướng bán hàng thông qua mạng lưới phân phối truyền thống gồm các cửa hàng bán lẻ được nhượng quyền thương mại.

Nếu toan tính của Geely và GAC Motor thành công, nó sẽ tạo động lực cho các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc vượt qua định kiến tồn tại nhiều thập kỷ.

"Một trong những trở ngại chính ở các thị trường lớn như Mỹ là sự ác cảm của người tiêu dùng đối với hàng hóa Trung Quốc", Jeff Cai, Giám đốc cấp cao ở Bắc Kinh của JD Power & Associates, nói. "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hầu hết người tiêu dùng Mỹ nghĩ rằng Trung Quốc là nước thứ ba trên thế giới chuyên sản xuất các sản phẩm kém chất lượng".

Lynk & Co đặt mục tiêu mở cửa hàng đầu tiên ở Berlin vào nửa cuối năm 2019 và một cửa hàng ở San Francisco vào năm 2020.

Tại một số bang của Mỹ không cho phép bán trực tiếp , Lynk & Co dự kiến một mô hình bán hàng dựa trên thuê bao, thuê xe dành cho người tiêu dùng trong hợp đồng một tháng. Những giao dịch đó sẽ bao gồm bảo hiểm, bảo hành và các lợi ích khác.

Visser giải thích, Lynk & Co muốn thử nghiệm mô hình bán lẻ độc đáo này vì nó bù đắp khoảng 1/4 lợi tức bị thiệt hại khi phân phối truyền thống qua đại lý và chiết khấu. Ông hy vọng bán hàng trực tiếp sẽ bù được hơn một nửa số thiệt hại.

"Hãng sẽ chia sẻ quyền lợi này cho khách hàng bằng cách đề ra mức giá xe phải chăng hơn", Visser cho biết. "Lynk & Co nhắm tới mục tiêu bán 250.000 xe một năm trên khắp châu Âu và Mỹ" - mặc dù ông không đưa ra lịch trình cụ thể.

Tại Mỹ, việc bán hàng trực tiếp có thể đẩy Lynk & Co vào thế xung đột quyền lợi với Hiệp hội Môi giới ôtô quốc gia (NADA), một tổ chức có quyền lực về chính trị, chuyên vận động cho các nhà khai thác đại lý nhượng quyền.

Thừa nhận NADA có "quyền lực lớn", nhưng Visser vẫn tin các đại lý vẫn có thể liên kết với Lynk & Co. Vì họ có thể trở thành đại lý nhượng quyền thương mại để phục vụ cho xe Lynk & Co trong việc sửa chữa và bảo trì, và đây là những hoạt động giúp các đại lý kiếm được nhiều tiền nhất.

Về phần mình, GAC Motor đang xem xét tới sự hiện diện ở vùng đông bắc Mỹ. Khu vực này bao gồm Massachusetts, Connecticut, Maine và New York, được xem là nơi cởi mở hơn với các hãng ôtô nước ngoài và loại xe SUV.

Phía GAC Motor cho biết, họ chưa quyết định vị trí cụ thể nào ở Mỹ, nhưng chắc chắn sẽ xây dựng mạng lưới bán hàng với các đại lý nhượng quyền hoặc gia nhập một chuỗi đại lý hiện có.

Sản phẩm đầu tiên của GAC Motor tại Mỹ có thể là chiếc SUV Trumpchi GS8. Tuy nhiên, do sự nhạy cảm về chính trị, mẫu xe này sẽ được đổi lại tên.

Tác giả: Phúc Cường

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP