![]() |
Vi Mạnh Hùng (bên trái) trên giảng đường đại học. |
Đầu tháng 7-2025, khi phần lớn sinh viên của Trường Đại học Vinh đã về quê nghỉ hè cùng gia đình, Vi Mạnh Hùng vẫn ở lại trong căn phòng trọ nhỏ bé ở phường Trường Vinh để làm thêm. Khi chúng tôi đến, chàng sinh viên người dân tộc Thái đang sử dụng điện thoại lên trang tiktok cá nhân live quảng cáo bán các loại nông sản vùng cao như chuối hột, mật ong rừng, được người thân gửi từ trên quê xuống. “Em ở… lại làm thêm… kiếm tiền học phí và sinh hoạt cho năm học mới. Bởi từ năm học thứ 4, em gần như phải học chương trình rất nặng, thêm làm đồ án nữa, không có thời gian làm được việc khác”, giọng nói bị ngắt quãng, Hùng khó khăn chia sẻ suy nghĩ của bản thân. Nói rồi, chàng sinh viên tập tễnh từng bước khó nhọc đi rót nước mời khách. Quan sát dễ nhận thấy, căn phòng trọ của cậu sinh viên khuyết tật dù chật hẹp, nóng bức nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ.
Chúng tôi biết hoàn cảnh cậu sinh viên vùng cao từ câu chuyện của thầy giáo Đậu Xuân Việt, giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất, Trường Trung học phổ thông Tương Dương 1 từng trực tiếp giảng dạy Vi Văn Hùng chia sẻ lại. Trước khi bắt đầu câu chuyện của cậu học trò cũ, thầy giáo Việt tâm sự rằng: “Tôi biết Hùng rất mạnh mẽ nhưng thực tế em đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện giấc mơ. Mong các anh tìm cách hỗ trợ thêm để em hoàn thành được chương trình học, sau này chăm lo được cho bản thân, có ích cho xã hội”. Rồi thầy giáo Việt bắt đầu kể về cuộc đời của cậu học trò cũ vốn gặp nhiều bất hạnh. Theo đó, Vi Mạnh Hùng là con cả trong một gia đình đồng bào dân tộc Thái ở xã Hữu Khuông, tỉnh Nghệ An - địa phương nghèo khó, cách biệt nhất của tỉnh và cả nước. Em bị dị tật bẩm sinh, rồi khi lên 6 tuổi, bất hạnh tiếp tục ập đến khi bố bị bệnh hiểm nghèo, mẹ bỏ đi biệt xứ, Hùng và em gái sống dựa vào ông bà nội đã cao tuổi.
![]() |
Đi lại khó khăn, Hùng phải nhờ bạn hỗ trợ khi lên xuống cầu thang của giảng đường đại học. |
Cơ thể khiếm khuyết, gặp nhiều thiếu thốn trong cuộc sống nhưng bù lại, Hùng có trí nhớ rất tốt và nỗ lực vươn lên học tập. Em được ông cõng trên lưng đến điểm trường bản, rồi trung tâm xã để học tập. Sau khi hết bậc trung học cơ sở, cậu học sinh tật nguyền đã xin ông bà ra thị trấn Tương Dương (trung tâm huyện Tương Dương cũ) ở trọ để được học lên trung học phổ thông, với quyết tâm thực hiện giấc mơ bước vào giảng đường đại học. Nhưng do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, lại lo cháu tật nguyền khi xa nhà sẽ không có ai chăm sóc, bước đầu ông bà nội ra sức can ngăn. Thế nhưng Hùng vẫn nhờ người thân bí mật chở ra trung tâm huyện để học tập.
“Mấy năm học phổ thông, em được thầy Việt cùng giáo viên trong trường giúp đỡ. Cùng với đó, em còn xin làm thêm ở các quán ăn gần trường để có chi phí sinh hoạt. Nắng cũng như mưa, em dậy từ 4 giờ sáng ra quán phụ các công việc đến sát giờ học thì vào lớp, chiều về lại ra quán giúp chủ quán mọi việc. Thời gian đó rất vất vả nhưng em biết chỉ có học mới giúp mình vượt lên được nghịch cảnh, lo được cho bản thân, ông bà và em, trở thành người có ích cho xã hội”, Hùng tâm sự.
Sau khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông, Hùng đã lựa chọn ngành Công nghệ thông tin, Đại học Vinh để theo đuổi với mơ ước tốt nghiệp có được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định. Em may mắn được Quỹ học bổng Thắp sáng niềm tin hỗ trợ học phí suốt quá trình 5 năm đại học, để có tiền sinh hoạt, Hùng đã sử dụng tài khoản cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok bán nông sản vùng cao bằng hình thức online. Khi có khách mua hàng, chàng sinh viên lại cẩn thận gói ghém để gửi đi khắp mọi nơi trên toàn quốc. Theo chia sẻ của Hùng nhờ việc bán hàng online em đã có tiền tự trang trải cho cuộc sống suốt những năm học vừa qua. Thế nhưng khi sắp kết thúc câu chuyện, Hùng cũng nói về những lo lắng: “Từ năm thứ 4, chương trình học của em nặng hơn, cùng với đó là hoàn thành đồ án, em lo không còn thời gian bán hàng để có thu nhập, việc học tập, sinh hoạt sẽ khó khăn hơn”.
Tác giả: Hiếu An
Nguồn tin: qdnd.vn