Pháp luật

Vụ Trung Nguyên: Bà Diệp Thảo tố đích danh người hãm hại 2 vợ chồng?

Bà Diệp Thảo cho biết, kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự cho thấy, tài liệu của Tập đoàn Trung Nguyên có dấu vết cắt ghép.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Sáng 2/7, bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên) cho biết, Viện khoa học hình sự (Bộ Công An) vừa ra quyết định giám định ngày 24/5/2019 liên quan đến các hồ sơ tài liệu của Tập đoàn Trung Nguyên.

Kết luận giám định này nêu rõ trong hồ sơ các chữ “Công ty CP Cà phê Trung Nguyên” tại dòng chữ in thứ 10 tính từ trên xuống trên trang 2 trên mẫu Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông ngày 26/12/2011 bị cắt ghép.

Như vậy, từ kết quả giám định cho thấy: các giấy tờ mà đại diện theo ủy quyền của Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC) - luật sư Nguyễn Duy Phước (cũng là phó phòng pháp lý của Trung Nguyên) và Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương cung cấp cho Tòa án Bình Dương đã có dấu hiệu cắt ghép, sửa chữa so với bản gốc.

Vì vậy, bà Diệp Thảo đã đề nghị Tòa án tỉnh Bình Dương chuyển toàn bộ hồ sơ giả mạo sang cơ quan Công an để điều tra làm rõ việc giả mạo theo quy định của pháp luật, đồng thời đề nghị Tòa án hủy bỏ các quyết định, nghị quyết bãi nhiệm bà tại Trung Nguyên IC, đồng thời khôi phục lại giấy đăng ký kinh doanh lần 7 mà bà là người đại diện theo pháp luật tại công ty này.

Được biết, kể từ biến cố ngày 21/4/2016 (Giấy đăng ký kinh doanh lần 8 được thiết lập), Trung Nguyên IC trải qua rất nhiều sóng gió. Bà Diệp Thảo cho biết ngay khi có giấy đăng ký kinh doanh mới trên tay, trong đêm 13/5/2016, hàng trăm bảo vệ, xã hội đen do nhóm thao túng thuê đã ập vào nhà máy cà phê hòa tan tại Bình Dương để trấn áp các nhân viên, công nhân đang làm việc tại đây và cướp lấy nhà máy mà bà đang quản lý. Sau khi cướp nhà máy, họ lục soát các tài liệu, mang ra ngoài rất nhiều máy móc khiến Trung Nguyên IC bị tê liệt.

Cuối năm 2017, phía Trung Nguyên gửi đơn đến Tổng cục Hải Quan và Cục Quản lý thị trường tố sản phẩm cà phê hòa tan G7 do nhà máy cà phê hòa tan tại Bắc Giang (chi nhánh của Trung Nguyên IC tại Bắc Giang mà bà Diệp Thảo đang quản lý) là hàng giả và liên tiếp tác động đến các cơ quan chức năng để tạm giữ sản phẩm G7 khiến hàng G7 bị đình trệ xuất khẩu trong thời gian dài.

Tháng 5/2018, dưới danh nghĩa Trung Nguyên IC, họ lại tiếp tục gửi đơn kiện và yêu cầu bà Thảo bồi thường 1.700 tỷ với lý do bà đã làm thiệt hại cho chi nhánh Trung Nguyên IC ở Bắc Giang, trong khi bà đang là đồng sở hữu Trung Nguyên IC và vận hành chi nhánh này để sản xuất cà phê G7.

Không dừng ở đó, các đối tác quốc tế của bà Thảo cũng thường xuyên nhận được các đơn thư khủng bố, khiếu kiện từ phía Trung Nguyên, phá giá thị trường nhằm hủy hoại mạng lưới kinh doanh quốc tế của Trung Nguyên International…

“Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 8 sai trái ra đời sau khi các biện pháp khẩn cấp tạm thời được ban hành nhằm để bảo vệ tài sản của vợ chồng tôi tại Trung Nguyên, thế nhưng đột ngột bị hủy bỏ vào tháng 1/2016 và từ đó đã gây hậu quả quá lớn cho Trung Nguyên IC, châm ngòi cho các tranh chấp tại Trung Nguyên lên cao. Đây là mục đích của nhóm thao túng để hãm hại vợ chồng tôi và Trung Nguyên”, bà Diệp Thảo khẳng định.

Bà Thảo yêu cầu Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương hủy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 8 sai trái và khôi phục lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần 7. Ngoài ra, bà cũng có đơn yêu cầu Tòa án tỉnh Bình Dương chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an vào cuộc điều tra vụ việc.

Được biết, ngày mai sẽ có phiên họp sơ thẩm xem xét đơn yêu cầu của bà Lê Hoàng Diệp Thảo yêu cầu hủy bỏ quyết định, nghị quyết bãi nhiệm bà khỏi vị trí là người đại diện theo pháp luật tại Trung Nguyên IC.

Tác giả: Yên Trang

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP