Bà Phạm Thị Vấn- người bị cho là hành hạ bé trai ở Đắk Nông. |
Ngày 29/12, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã ký công văn số 7419/UBND-KGVX yêu cầu UBND huyện Đắk R’lấp xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật trường hợp hành hạ bé trai tại xã Kiến Thành; báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 5/1.
Đồng thời tỉnh giao Sở Giáo dục & Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các nhóm trẻ trên địa bàn tỉnh để kịp thời chấn chỉnh công tác chăm sóc trẻ theo đúng quy định và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm.
Sở Giáo dục & Đào tạo xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ giáo dục mầm non cho chủ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ trên địa bàn.
Như Tiền Phong đã thông tin, ngày 27/12 trên mạng xã hội Facebook xuất hiện clip ghi lại hình ảnh người phụ nữ bạo hành một em bé khoảng 2 tuổi giữa trời đông giá lạnh.
Sau đó, UBND xã Kiến Thành đã cử cán bộ văn hoá và công an xã xác minh. Kết quả, người phụ nữ trong clip là bà Phạm Thị Vấn. Dù đã hoạt động được 2 năm nay, nhưng cơ sở trông trẻ của bà Vấn chưa được cấp phép. Danh tính của bé trai được xác định là Đ.Đ.M.Đ (2 tuổi). Gia cảnh của bé Đ thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh rất đặc biệt khi mẹ bị trầm cảm nhiều năm nay, một mình bố Đ lao động nuôi sống cả nhà.
Theo Sở Giáo dục & Đào tạo Đắk Nông, toàn tỉnh có 254 cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập. Cụ thể, thị xã Gia Nghĩa có 51 cơ sở; Đắk Mil: 18; Tuy Đức: 40; Krông Nô: 13; Đắk R’lấp: 44; Đắk Glong: 17; Đắk Song: 44 và Chư Jút có 27 cơ sở. Trong đó, giáo dục mầm non công lập có 94 cơ sở; ngoài công lập 168 cơ sở. Trong số 168 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thì có đến 85 đơn vị chưa có giấy phép hoạt động, chiếm 50,6%; tập trung ở thị xã Gia Nghĩa: 30 cơ sở, huyện Tuy Đức 21 cơ sở, Đắk R’lấp 19 cơ sở và huyện Đắk Song có 15 cơ sở.
Tác giả: VŨ LONG - LỮ HỒ
Nguồn tin: Báo Tiền Phong